Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch Ebola trở lại châu Phi: Đối mặt "hiểm họa kép"

Hoàng Linh| 18/02/2021 06:48

(HNM) - Không chỉ gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19, châu Phi đang đứng trước “hiểm họa kép” khi vi rút Ebola quay trở lại. Song, khác với 5 năm trước, những kinh nghiệm và tiến bộ trong công tác ứng phó với căn bệnh chết người này đã đem tới nhiều hy vọng nếu Lục địa đen biết tận dụng "thời điểm vàng" để sớm kiểm soát và dập dịch.

Nhân viên y tế của Tổ chức Y tế thế giới phun khử khuẩn tại nhà một bệnh nhân Ebola ở thành phố Beni (Congo).

Ebola có thể gây sốt, đau nhức, mệt mỏi trước khi tiến triển và khiến bệnh nhân nôn, tiêu chảy, xuất huyết. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), điều đáng ngại nhất của dịch bệnh này là tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90%, cao hơn nhiều so với dịch Covid-19. Vi rút Ebola lây lan qua dịch cơ thể của người bệnh hoặc người mới qua đời, thậm chí sau khi người nhiễm đã bình phục. Ngoài ra, nhiều loài động vật nhiễm bệnh như dơi hoặc các loài linh trưởng đều có thể truyền vi rút sang người.

Tại Guinea - “tâm chấn” của đợt dịch Ebola ở Tây Phi giai đoạn 2014-2016, đợt bùng phát mới nhất được công bố vào ngày 14-2 tại thị trấn Gouecke (thành phố Nzerekore), sau khi nước này ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh và 3 người thiệt mạng. Đây là đợt bùng phát Ebola đầu tiên ở Tây Phi kể từ năm 2016, thời điểm ghi nhận có tới 28.000 ca nhiễm bệnh với 11.300 trường hợp tử vong. Trước đó, tại Congo (Trung Phi), 4 ca mắc Ebola đã được xác nhận ở thành phố Butembo, trong đó 2 người đã tử vong.

Lo ngại trước những diễn biến mới, WHO đã theo dõi sát sao các đợt bùng phát của dịch Ebola, coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về các đợt bùng phát dịch Ebola ở Guinea và Congo hoàn toàn không liên quan đến nhau, đồng thời cho biết WHO đã phát đi cảnh báo tới ít nhất 6 nước láng giềng của Guinea (Sierra Leone, Mali, Liberia, Senegal, Bờ Biển Ngà, Guinea-Bissau).

Ngay khi nhận được cảnh báo, lực lượng ứng phó với dịch bệnh của nhiều nước đã vào cuộc nhanh chóng. Bộ Y tế Congo đã điều Đội phản ứng nhanh quốc gia tới các địa điểm ghi nhận ca bệnh, đồng thời tiến hành tiêm chủng vắc xin ngừa Ebola từ ngày 15-2. Guinea đã nhanh chóng mở một trung tâm điều trị Ebola tại Gouecke. Cơ quan y tế của hai nước cũng đã làm việc với các đối tác để bảo đảm nguồn cung vật tư y tế thiết yếu.

Về phần mình, WHO đã bắt tay vào truy vết mối liên hệ của các ca bệnh, khử trùng những nơi bệnh nhân đã tới, đồng thời phân tích mẫu gen để xác định chủng Ebola xuất hiện lần này là loại đã tồn tại trên người hay động vật. Tổ chức này cũng cho biết sẽ hỗ trợ các nước có dịch mua vắc xin ngăn ngừa Ebola và bảo đảm công tác phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở y tế... Hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng kích hoạt mạng lưới gồm 700 tình nguyện viên đã qua đào tạo để đối phó với đợt bùng phát mới.

Dù các cơ quan y tế tích cực vào cuộc, một số người vẫn lo ngại về sự xuất hiện đợt bùng phát Ebola mới sẽ làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch Covid-19 của châu Phi, khu vực đã ghi nhận gần 3,8 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 100.000 trường hợp tử vong. Trong khi đó, một số ý kiến lạc quan cho rằng, những kinh nghiệm ứng phó Ebola trước đây sẽ đem tới nhiều thuận lợi trong việc sớm kiểm soát đợt dịch mới. Theo Liên minh vắc xin GAVI, đợt bùng phát dịch giai đoạn 2013-2016 cũng đã thúc đẩy các nỗ lực phát triển vắc xin ngừa Ebola, hiện kho dự trữ khẩn cấp toàn cầu đã có 500.000 liều, sẵn sàng triển khai trên diện rộng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, đây là "thời điểm vàng" để các nước châu Phi dập dịch. Nếu để dịch Ebola lây lan rộng, hệ thống y tế vốn yếu kém, lạc hậu của những nước này sẽ chịu sức ép rất lớn. Ngược lại, nếu biết tận dụng "thời điểm vàng", Lục địa đen vẫn có nhiều cơ hội để thoát khỏi "hiểm họa kép".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dịch Ebola trở lại châu Phi: Đối mặt "hiểm họa kép"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.