(HNM) - Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2001-2010 được thực hiện trên 5 nội dung: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC); cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận “một cửa” xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Ảnh: Linh Tâm |
Không hoàn thành mục tiêu
Theo chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001-2010, nội dung đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC bao gồm: đổi mới công tác quản lý CBCC; cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ; đào tạo, bồi dưỡng CBCC; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức CBCC. 10 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện chương trình và chất lượng cán bộ đã có những bước chuyển biến nhất định, thể hiện ở công tác quản lý đội ngũ CBCC tiếp tục được cải cách theo hướng phân công, phân cấp cụ thể hơn; thẩm quyền và trách nhiệm trong việc bổ nhiệm, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật CBCC được xác định rõ cho người đứng đầu cơ quan hành chính và thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công; tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất của CBCC cũng như tiêu chuẩn chức danh công chức được coi trọng. Bên cạnh đó, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong những năm qua đã từng bước được đổi mới; đã có sự phân cấp giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC; đồng thời chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội đã nhiều lần được xem xét, chỉnh sửa…
Tuy nhiên, xét trên toàn cục những kết quả đạt được còn chưa đúng như mục tiêu đặt ra. Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) thừa nhận nhiều điều đang tồn tại: Công chức ở các bộ, ngành đóng góp, tham mưu vào việc xây dựng, hoạch định quy hoạch, chiến lược phát triển ngành nhưng nhiều quy hoạch chưa đạt yêu cầu; người dân và doanh nghiệp vẫn phàn nàn về CBCC… chứng tỏ chất lượng CBCC có vấn đề. Ông Hòa khẳng định, trong 10 năm qua, chúng ta có nhiều đổi mới trong việc thi tuyển công chức, bằng cấp, chứng chỉ là một trong những điều kiện để được thi tuyển công chức và thực tế thì bằng cấp, chứng chỉ tăng lên rất nhiều nhưng dường như chưa tương xứng với chất lượng thực sự phải có. Đặc biệt, cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một trong những mục tiêu của chương trình tổng thể là: Đến năm 2005, tiền lương của CBCC được cải cách cơ bản, trở thành động lực của nền công vụ, bảo đảm cuộc sống của CBCC và gia đình. Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì thực hiện chương trình cải cách chính sách tiền lương, nhưng thực tế đời sống CBCC vẫn khó khăn vì sự chênh lệch giữa lương và giá. Tiền lương của CBCC chưa trở thành động lực của nền công vụ. Công chức rời bỏ cơ quan nhà nước có xu hướng tăng, từ năm 2003 đến 2007 đã có 16.000 công chức rời bỏ cơ quan nhà nước. Theo kết quả điều tra, nguyên nhân chính dẫn đến việc công chức rời bỏ cơ quan nhà nước là mức lương không thỏa đáng, thiếu các biện pháp khuyến khích và thiếu cơ hội phát triển.
Bài toán cho giai đoạn tiếp theo
Hai vấn đề chế độ, chính sách đãi ngộ nhân tài và đào tạo, bồi dưỡng nhiều năm qua đã được xác định là vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng CBCC, song thực tế cho thấy, việc giải quyết được 2 vấn đề này không đơn giản. Để có một chương trình thích hợp cho giai đoạn mới, Bộ Nội vụ đề nghị ngay từ bây giờ, các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và xây dựng chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, tập trung vào những vấn đề được các bộ, ngành, địa phương thấy cần thiết thực hiện trong thời gian tới. Theo Bộ Nội vụ, dự kiến chương trình sẽ chia làm 2 giai đoạn: 2010-2015 và 2016-2020, mỗi giai đoạn sẽ có đánh giá kết quả, sản phẩm rõ ràng; có thể tập trung vào các nội dung: cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy, trong đó có đổi mới cơ chế tài chính cho các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; cải cách công vụ, công chức; chính phủ điện tử. Ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) cho rằng, nội dung trọng tâm của giai đoạn này phải nhằm vào đội ngũ CBCC, bởi nếu bản thân đội ngũ CBCC không thông qua cải cách để sửa đổi, sẽ gây tác động xấu tới kết quả cải cách ở những nội dung khác. Đầu tiên là rà soát lại, định lại tiêu chuẩn của công chức cho phù hợp hơn. Trên cơ sở tiêu chuẩn phù hợp, việc tuyển dụng sẽ chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn.
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng CBCC cần có chế độ, chính sách đãi ngộ tốt, lương thưởng bảo đảm ổn định cuộc sống cho CBCC; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; kiên quyết thực hiện luân chuyển CBCC chuyên môn, nhất là ở các vị trí công việc dễ phát sinh tiêu cực, liên quan đến tổ chức, công dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ CBCC phải được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.