(HNMO) - Tới 6h ngày 4-5, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3.567.911 ca mắc Covid-19, trong đó 248.048 người đã tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 1.152.981 người.
Tập đoàn dược phẩm hàng đầu Thụy Sĩ Roche cho biết đã được Cơ quan quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đối với bộ xét nghiệm kháng thể trong máu để xác định xem bệnh nhân có nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hay không. Tập đoàn này sẽ đẩy mạnh sản xuất để tăng số lượng xét nghiệm từ 50 triệu bộ/tháng lên hơn 100 triệu bộ/tháng vào cuối năm nay.
Châu Âu
Số ca nhiễm mới ở châu Âu tiếp tục giảm mạnh. Tây Ban Nha vẫn đứng đầu châu Âu về số ca mắc Covid-19 (247.122 người) nhưng chỉ có 1.533 ca mới. Các nước có số ca mắc cao khác gồm: Italia (210.707 người), Anh (186.693 người), Pháp (168.396 người), Đức (165.644 người) cũng có mức tăng mới giảm, lần lượt là 1.389, 4.399, 297 và 697 người. Mức tăng này thấp hơn nhiều con số của ngày trước đó, lần lượt là 1.900, 4.806, 1.050 và 890.
Tây Ban Nha đang triển khai kế hoạch 4 giai đoạn để dần nối lại các hoạt động vào cuối tháng 6 tới. Cuối tuần qua cũng là lần đầu tiên người dân Tây Ban Nha được tự do ra khỏi nhà sau 7 tuần hạn chế ra ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tại Italia, ngày 4-5 cũng là ngày đầu tiên thực hiện kế hoạch nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế sau 2 tháng áp lệnh phong tỏa toàn quốc. Chính phủ đã công bố danh sách các hoạt động được phép diễn ra trong khi các vùng cũng có những quy định riêng. Trong giai đoạn đầu, 60 triệu người dân Italia có thể di chuyển tự do trong ranh giới các vùng họ sinh sống, thăm người thân, đưa con cái tới các công viên mới mở cửa trở lại và đi xe đạp, chạy bộ ra những khu vực xa hơn khu nhà ở của mình.
Chính phủ Anh dự kiến công bố các kế hoạch nới lỏng biện pháp phong tỏa trong tuần này, trong đó khuyến khích các công trường xây dựng hoạt động trở lại, nới lỏng các quy định về hoạt động ngoài trời và kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trong tuần này, Anh cũng bắt đầu chương trình truy vết vi rút SARS-CoV-2 ở đảo Wight. Về phần mình, Paris cũng sẽ khởi động việc thử nghiệm chương trình tương tự mang tên “StopCOVID”.
Ngoài Liên minh châu Âu, Nga ghi nhận thêm hơn 10.600 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 134.687. Đáng chú ý, có tới 50,3% số ca nhiễm mới không có biểu hiện lâm sàng.
Châu Á
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực - 18.205 ca (657 ca nhiễm mới). Phần lớn các ca nhiễm mới là những người lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở tập thể.
Trong khi đó, Philippines đã ngừng tất cả chuyến bay chở khách đến nước này trong vòng 1 tuần, kể từ ngày 3-5, để có thời gian xử lý các trung tâm cách ly hiện đã chật cứng khi hàng nghìn lao động Philippines hồi hương. Nước này hiện ghi nhận hơn 9.233 ca nhiễm, trong đó có 295 ca nhiễm mới.
Cùng với Việt Nam, Lào trở thành điểm sáng về chống dịch khi qua 21 ngày không có ca nhiễm mới nào. Tổng số ca nhiễm ở nước này vẫn dừng lại ở con số 19 ca, trong đó 9 ca đã bình phục.
Tương tự, Thái Lan cũng chỉ ghi nhận thêm 3 ca mới, mức thấp nhất kể từ ngày 10-3. Đây là ngày thứ bảy liên tiếp nước này ghi nhận các ca mới theo ngày ở mức 1 con số, đồng thời là ngày thứ ba liên tiếp không ghi nhận thêm ca tử vong. Thái Lan hiện ghi nhận 2.969 ca nhiễm, trong đó có 54 ca tử vong, 2.739 bệnh nhân đã phục hồi. Nước này cũng bắt đầu nới lỏng một số biện pháp được áp dụng từ hơn một tháng qua.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận thêm 122 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 6.298.
Sau một ngày không có ca nhiễm mới, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận 13 ca mới. Tuy nhiên, từ tuần này, quốc gia này vẫn sẽ nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội vốn được áp đặt từ cuối tháng 3, trong bối cảnh tốc độ lây lan dịch bệnh đã chậm lại.
Châu Mỹ
Mỹ ghi nhận số người nhiễm và số người nhập viện tiếp tục giảm, hiện nước này đang có 1.186.073 người mắc Covid-19, trong đó có 25.299 ca nhiễm mới, 68.526 người đã tử vong. Đáng chú ý, số người nhập viện vì Covid-19 tại New York đã lần đầu giảm xuống dưới mốc 10.000 người kể từ giữa tháng 3. Tuy nhiên, đây vẫn là bang có số ca tử vong cao nhất nước Mỹ, với 19.189 người.
Brazil đã ghi nhận số ca nhiễm vượt mốc 100.000 người. Tới sáng 4-5, nước này có 101.147 ca nhiễm, trong đó có 4.588 ca nhiễm mới, 7.025 người đã tử vong.
Châu Phi
Nam Phi vẫn là "tâm dịch” của châu Phi, với 6.783 ca nhiễm, trong đó có 447 ca nhiễm mới.
Algeria hiện đứng thứ tư ở Lục địa đen về số người nhiễm bệnh, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục, với tỷ lệ trên 10%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.