(HNMO) - Tính đến 6h ngày 8-5, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3.909.524 ca nhiễm Covid-19, trong đó 270.293 người đã tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 1.335.174 người.
Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để phòng dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp trên khắp châu Âu đã ghi nhận số cuộc gọi liên quan tới bạo lực gia đình tăng đột biến.
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết, tính riêng trong tháng 4 vừa qua, các nước đã ghi nhận số cuộc gọi khẩn cấp tìm kiếm sự trợ giúp từ những người phụ nữ bị chồng hay bạn tình bạo hành tăng tới 60%.
Theo WHO, bạo lực gia đình thường tăng trong những giai đoạn khủng hoảng và càng trầm trọng hơn do các biện pháp hạn chế đi lại. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ước tính sẽ có thêm 31 triệu trường hợp bạo lực gia đình trên thế giới nếu các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì trong 6 tháng tới.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc cảnh báo các lán trại người di cư rất có thể làm lây lan dịch bệnh và kêu gọi chính phủ các nước cho phép các nhân viên hỗ trợ được tiếp cận các nhóm người di cư lớn đang mắc kẹt, tập trung gần các khu vực biên giới.
Châu Á
Ấn Độ trở thành điểm nóng dịch bệnh mới tại châu Á khi ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất (3.364 trường hợp). Nước này hiện có 56.351 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 1.889 người đã tử vong.
Tại Đông Nam Á, các nước đều ghi nhận số ca nhiễm mới giảm. Lào không có bệnh nhân mới trong 25 ngày liên tiếp và hiện vẫn chỉ có 19 ca nhiễm, trong đó 10 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Malaysia có thêm 39 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 6.467 ca. Indonesia có thêm 338 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 12.776 ca và có thêm 35 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên thành 930 người. Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 339 ca nhiễm, theo đó tổng số ca nhiễm tăng lên 10.343 người.
Thái Lan cũng ghi nhận các ca nhiễm mới ở mức thấp. Nước này hiện có 2.992 bệnh nhân Covid-19, trong đó chỉ có 3 trường hợp nhiễm mới. Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) của Thái Lan cho biết, giai đoạn 2 của việc từng bước nới lỏng phong tỏa sẽ được kích hoạt từ ngày 17-5 nếu số lượng các ca nhiễm mới không tăng và dự kiến sẽ liên quan đến các doanh nghiệp lớn cũng như việc tụ tập đông người.
Châu Âu
Tổng cộng đã có hơn 1,5 triệu người nhiễm Covid-19 tại Lục địa già, trong đó Tây Ban Nha đứng đầu về số lượng, với 256.855 trường hợp (3.173 ca nhiễm mới), rồi tới Italia 215.858 trường hợp (1.401 ca nhiễm mới).
Mặc dù vậy, số ca nhiễm mới tại các nước châu Âu đã liên tục giảm bớt trong những ngày qua, ngoại trừ ở Nga, nơi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với 11.231 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tổng số bệnh nhân Covid-19 tại quốc gia này đã lên đến 177.160 trường hợp, vượt qua cả Pháp (174.791 ca) và Đức (169.430 ca).
Cùng ngày, Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) cho biết đã tiếp nhận hơn 160.000 thư điện tử từ người dân trình báo về những hình thức lừa đảo liên quan tới đại dịch, trong đó có giả mạo chào hàng các bộ xét nghiệm và khẩu trang, thậm chí rao bán vắc xin ngăn ngừa Covid-19. Kẻ gian còn giả mạo các trang thông tin chính thức của chính phủ, và những người truy cập vào các trang web này bị dẫn dụ cung cấp các thông tin giao dịch tài chính.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, với 1.289.051 trường hợp (25.959 trường hợp nhiễm mới). Dịch bệnh tại Mỹ hiện vẫn bị cho là còn nhiều nguy cơ lây lan trong bối cảnh quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp giãn cách để nối lại các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, tại tâm dịch New York, lần đầu tiên kể từ năm 1904, hệ thống tàu điện ngầm biểu tượng của thành phố này đã buộc phải tạm ngừng chạy đêm (từ 1h đến 5h), để khử trùng toàn bộ 6.500 toa.
Brazil đang là tâm dịch của khu vực Nam Mỹ, khi có tới 5.756 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 132.367 trường hợp. Peru cũng ghi nhận số người nhiễm mới cao đáng lo ngại (3.709 trường hợp). Nước này hiện có 58.526 ca nhiễm.
Châu Phi
Các quốc gia châu Phi ghi nhận 54.882 ca nhiễm Covid 19, trong đó có 2.169 người mới nhiễm.
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait thông báo, cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến nước này phải hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2019-2020 từ 6% xuống 4,2%. Nợ công của đất nước Bắc Phi này có thể tăng thêm 44 tỷ bảng Ai Cập (2,8 tỷ USD) do tăng chi ngân sách.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mohamed Maait khẳng định, Cairo đã thành công trong việc cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì nền kinh tế, đảm bảo cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.