(HNMO) - TS.BS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy trong cuộc Hội thảo “Xây dựng hệ thống giám sát trọng điểm tại khu vực phía Nam” vừa qua tại TP Hồ Chí Minh.
Thực tế cho thấy, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) thường bùng phát 2 đợt cao điểm trong năm là tháng 5-7 và 9-11, đợt thứ 2 bao giờ cũng mạnh hơn đợt thứ nhất. Năm 2010 cả nước có hơn 10 nghìn ca mắc, 6 ca tử vong, nhưng từ đầu năm đến đã có gần 20.000 ca mắc bệnh, trong đó 59 ca tử vong. Điều đáng nói 70% số trẻ không đi nhà trẻ, không tiếp xúc với bệnh nhân vẫn bị mắc TCM. Đến nay các chuyên gia y tế vẫn chưa xác định được nguyên nhân vì sao năm nay dịch bệnh TCM lại bùng phát mạnh như vậy, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Đại diện Khoa Nhiễm-BV Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất trong việc chặn đứng dịch bệnh TCM là do chúng ta chưa có văcxin tiêm chủng và thuốc đặc trị; phác đồ điều trị do Bộ Y tế vừa ban hành đã phù hợp hơn với thực tế nhưng cần phải có thời gian để phát huy tác dụng. Khẳng định việc xây dựng hệ thống giám sát trọng điểm tại khu vực phía Nam là cần thiết để khống chế hiệu quả dịch bệnh, TS.BS Hữu khuyên các bậc phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nơi ở cũng như những vật dụng trong nhà… Đây là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát mạnh trong khi chờ đợi các nhà khoa học tìm ra văcxin tiêm chủng và thuốc đặc trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.