(HNM) - Mặc dù thời điểm này, mùa dịch bệnh sốt xuất huyết mới chỉ bắt đầu, nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát luôn hiện hữu.
Phun thuốc diệt muỗi phòng dịch bệnh sốt xuất huyết tại quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Số ca mắc có dấu hiệu gia tăng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 5-2019, cả nước đã ghi nhận hơn 67.000 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến ngày 14-6, đã ghi nhận 502 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 168 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Nếu như trong tháng 4-2019, toàn thành phố chỉ ghi nhận khoảng 10 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì trong những tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2019, số ca mắc đã tăng lên khoảng 70-80 ca/tuần.
Theo chu kỳ, dịch bệnh này thường tăng vào các tháng mùa hè. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, hiện bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vì thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Đáng chú ý, kết quả giám sát vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết tại một số khu vực trọng điểm trên địa bàn Hà Nội những năm qua như: Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)… cho thấy, đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ gây dịch bệnh thời gian gần đây.
Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 72 ca sốt xuất huyết tại 6/13 phường với 6 ổ dịch. Riêng trên địa bàn phường Minh Khai đã ghi nhận 63 ca bệnh với 5 ổ dịch, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2018.
Bà Đàm Thị Thơ, Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm cho biết, quận đã tổ chức phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường ở 13/13 phường. Không chỉ quét dọn, làm cỏ, thu gom phế liệu, phế thải… tại các bãi đất trống, công trường xây dựng, trên toàn bộ các tuyến giao thông, mà công tác vệ sinh môi trường còn được triển khai đến từng hộ gia đình. Cán bộ y tế đã hướng dẫn các hộ gia đình không để dụng cụ chứa nước cho bọ gậy sinh sôi, thả cá vào dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy...
Còn tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến điều trị vẫn chưa nhiều. Năm 2017, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từng rơi vào cảnh “vỡ trận” khi dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh thì thời điểm này chỉ tiếp nhận từ 3 bệnh nhân đến 5 bệnh nhân sốt xuất huyết/ngày.
Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương lưu ý, về đặc điểm dịch tễ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên bệnh sốt xuất huyết đã thay đổi nhiều so với trước đây. Nếu như trước đây, bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực có mùa mưa kéo dài, nhiệt độ cao, thì nay bệnh đã xuất hiện khắp cả nước, xuất hiện quanh năm. Bên cạnh đó, trước đây, số ca mắc chủ yếu là trẻ em, thì hiện cả trẻ em và người lớn đều mắc.
“Những trường hợp tử vong, phần lớn là do bệnh nhân chủ quan, đến viện muộn. Hơn nữa, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở những người đã có sẵn bệnh như: Tiểu đường, bệnh tuyến giáp... hay phụ nữ có thai thường khá nặng, đòi hỏi phải xử lý đặc biệt, điều trị sớm. Bộ Y tế đang nghiên cứu phác đồ điều trị mới để phù hợp với những biến đổi của bệnh sốt xuất huyết thời gian gần đây”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính cho biết thêm.
Để xảy ra dịch, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ...
Thêm vào đó, thời tiết đang vào mùa hè (nóng ẩm, mưa nhiều) là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và có khả năng bùng phát trên diện rộng, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Giáo viên Trường Mầm non Trung Hòa (quận Cầu Giấy) vệ sinh môi trường để phòng dịch bệnh sốt xuất huyết. |
Để làm tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền trong nhân dân, cộng đồng các biện pháp kiểm soát tốt nhất các ổ bọ gậy ngay từ chính gia đình mình.
Còn đối với các quận, huyện, thị xã, tiếp tục triển khai các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, nhất là ở những khu vực có ổ dịch cũ và chủ động phối hợp với ngành Y tế trong việc phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục giám sát và có cảnh báo với những khu vực xuất hiện dịch bệnh để các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý, tránh để lan rộng.
“Khi đã cảnh báo và khuyến cáo các biện pháp phòng, chống, nếu các quận, huyện, thị xã không triển khai, để xuất hiện dịch, chúng tôi sẽ báo cáo thành phố có biện pháp xử lý đối với lãnh đạo địa phương đó”, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khuyến cáo, sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…
Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, không được tự mua thuốc về điều trị bởi khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, thì việc điều trị sẽ phức tạp, khó cứu chữa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp, cho nên một người có thể mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, thậm chí vẫn có thể mắc đến lần thứ 4. Và lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.