(HNM) - Trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút Zika tại nhiều quốc gia diễn biến phức tạp, có khả năng xâm nhập Việt Nam, ngành Y tế đang phải
Cảnh giác với Zika, não mô cầu
Như Báo Hànộimới đã đưa tin về hai trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu đầu tiên trong năm trên địa bàn Hà Nội, nhờ được cấp cứu kịp thời nên sức khỏe của hai bệnh nhân này tiến triển tốt. Tuy nhiên, trước đó, một nữ sinh lớp 12 ở Hải Dương đã tử vong do bệnh não mô cầu chỉ sau hai ngày có biểu hiện bệnh. Như vậy, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kể từ cuối năm 2015 tới đầu năm 2016, cả nước đã ghi nhận 7 trường hợp mắc não mô cầu; trong cả năm 2015, cả nước có 102 ca mắc (4 ca tử vong).
Việc tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi cho trẻ có vai trò quan trọng đối với phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Khánh Huy |
Đề cập nguy cơ lây lan của bệnh viêm não mô cầu, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (khoa Cấp cứu thuộc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, dù số ca bệnh không nhiều nhưng đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, rất nguy hiểm vì có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề. Với loại bệnh này, thể nhiễm khuẩn huyết viêm màng não mủ có thể diễn biến tối cấp, khiến bệnh nhân tử vong ngay trong 24 giờ, thậm chí khi bác sĩ chưa kịp chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp thì bệnh nhân đã tử vong. Sự nguy hiểm của dịch viêm não mô cầu không dừng lại ở đó. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đưa ra cảnh báo: "Tỷ lệ dân số mang vi khuẩn gây viêm não mô cầu khá cao nhưng rất ít trường hợp tự nhiên phát bệnh. Tuy vậy, khi đã phát bệnh thì vi khuẩn có độc lực mạnh sẽ lây sang người khác qua đường hô hấp. Điều đáng nói là bệnh thường gặp ở người trẻ, dễ phát triển thành dịch".
Khi tình hình dịch bệnh trong nước tiềm ẩn diễn biến phức tạp thì trong những ngày qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục đưa ra cảnh báo khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu về vi rút Zika - loại gây bệnh dẫn đến hiện tượng teo não ở trẻ em. Theo WHO, chỉ tính riêng ở châu Mỹ đã có khoảng 4 triệu người đối diện với nguy cơ nhiễm loại vi rút này. Điều đáng lo ngại là các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện hơn 20 loài muỗi mang vi rút Zika ở Châu Phi, nhưng chưa rõ chúng có thể truyền vi rút trực tiếp cho con người hay không.
Trước những thông tin đáng lo ngại này, Bộ Y tế đã liên tục tổ chức hội thảo, tập huấn phòng chống dịch do vi rút Zika cho cán bộ y tế. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nếu vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam thì tốc độ lây truyền và bùng phát thành dịch có thể rất cao, không dễ ngăn chặn được. Cơ sở quan trọng dẫn đến nhận định này là nước ta có khí hậu nóng ẩm - điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, mà muỗi chính là tác nhân lây truyền vi rút Zika từ người sang người (tương tự như bệnh sốt xuất huyết).
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, về mặt lâm sàng, việc phát hiện sớm bệnh Zika là không dễ thực hiện bởi những triệu chứng của bệnh không điển hình, dễ gây nhầm lẫn với các loại bệnh do vi rút khác gây ra. Mặt khác, đến nay các chuyên gia y tế thế giới vẫn chưa chứng minh được mối liên hệ giữa sự gia tăng của số trẻ mắc vi rút Zika với số trẻ bị bệnh đầu nhỏ và trẻ mắc hội chứng thần kinh gây teo cơ Guillian-Barre.
Không "nước đến chân mới nhảy"
Không chỉ lo ngại về diễn biến phức tạp, khó lường của các loại dịch bệnh mới nổi trên thế giới, PGS.TS Trần Đắc Phu còn cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca mắc đối với một số bệnh đã có vắc xin tiêm chủng. Trong thời gian qua, một số loại dịch bệnh chưa bùng phát mạnh là do tỷ lệ tiêm chủng được duy trì ở mức cao trong suốt nhiều năm. Tuy vậy, một khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng xuống thấp thì nguy cơ mắc bệnh sẽ lại tăng.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam cần cảnh giác trước nguy cơ một số dịch bệnh lây truyền dễ dàng từ động vật sang người, chủ yếu do sự tiếp xúc giữa con người và động vật ngày càng thân thiện hơn. Mặt khác, các bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch cũng có nguy cơ lan rộng do sự biến đổi khí hậu, tập quán di cư, thói quen, lối sống của người dân. Một nhân tố nữa có thể dẫn đến sự gia tăng dịch bệnh là thói quen ăn uống không bảo đảm vệ sinh, tình trạng xả rác bừa bãi, nạn ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, thói quen ăn gỏi, tiết canh có thể dẫn tới bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn hoặc bệnh do ký sinh trùng; việc xả thải xung quanh nhà khiến muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển… "Bài học kinh nghiệm về phòng chống dịch trong những năm qua cho thấy chúng ta không để chờ dịch xảy ra rồi mới chống. Nhiệm vụ phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu." - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bộ Y tế đã thành lập Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và các tổ chức quốc tế. Trong tháng 5 tới, Văn phòng EOC sẽ được thành lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế cũng đã thành lập các đội đáp ứng nhanh nhiệm vụ phòng chống dịch, sẵn sàng cơ động khi cần thiết. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.