Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Địa chỉ đỏ” của người yêu sách

Thi Thi| 26/08/2012 07:17

(HNM) - Trang web mang tên "Sách xưa" (sachxua.net) ra đời mới gần 5 năm nay, những người trẻ tuổi của trang web cùng các thành viên khắp mọi miền Tổ quốc và cả người Việt ở nước ngoài đã góp phần không nhỏ bồi đắp cho văn hóa đọc hôm nay. Hànộimới có dịp trò chuyện với anh Lê Tuấn Anh, người quản trị trang web ý nghĩa này.

- Sách xưa (sachxua.net) từng gây ấn tượng rất tốt trong những cuộc triển lãm trước đây. Xin anh chia sẻ với bạn đọc về sự ra đời của diễn đàn này?

- Trước hết xin cảm ơn quý báo đã quan tâm tới một sân chơi của những người đọc sách như chúng tôi. Cuối năm 2008, một bạn sinh viên là Phạm Thanh Trà đã mở trang buonsach.com nhằm tạo sân chơi cho những người cùng sở thích đọc sách, sưu tầm sách… Lúc đầu, số lượng thành viên rất hạn chế, có thể là do thời điểm ấy đã có nhiều địa chỉ giao lưu về sách, tiêu biểu như diễn đàn của nhà sách Sông Hương với sự góp mặt của nhiều nhà sưu tập trong Nam, ngoài Bắc, hay diễn đàn sachhay.org. Để thu hút thêm nhiều thành viên, cổ vũ các thành viên đã tham gia, Trà quyết định tổ chức cuộc thi "sách cổ" nho nhỏ trên diễn đàn với phần thưởng được trích ra từ chính khoản lương ít ỏi của mình. Việc làm đáng quý đó đã được nhiều thành viên ủng hộ. Thế rồi, tên miền buonsach.com đã được thay thế bằng sachxua.net nhằm truyền tải rõ thông điệp của diễn đàn tới cộng đồng yêu sách. Đó là mang hồn xưa qua trang sách để kết nối rộng rãi bạn đọc, người yêu sách.

Một hình ảnh tại trang web sachxua.net.

- Từ khi ra đời đến nay nhóm đã có những hoạt động gì để chia sẻ với cộng đồng nguồn tài nguyên sách báo quý giá do các thành viên sưu tầm, gìn giữ?

- Ban đầu chúng tôi tổ chức những buổi gặp mặt nho nhỏ nhằm chia sẻ kinh nghiệm bảo quản, phục chế sách hoặc trao đổi sách với nhau. Sau nhiều lần gặp gỡ và trao đổi trực tiếp cũng như qua mạng internet, diễn đàn đã thực sự thay đổi hoàn toàn về nội dung và tính chất hoạt động. Ngoài các hoạt động trao đổi, giao lưu như trên, sachxua.net đã xây dựng được các thư mục hình ảnh về các tác phẩm của các tác gia Việt Nam, tác gia nước ngoài… Đặc biệt, diễn đàn còn cung cấp miễn phí nhiều tài liệu quý giá đã được số hóa như Nông Cổ Mín Đàm, tạp chí Phong Hóa và nhiều cuốn sách quý mà hiện nay ta khó lòng tìm được ngoài thị trường. Rất nhiều người lớn tuổi có thể nhìn thấy những bìa cuốn sách thân quen với họ từ thuở ấu thơ. Đó thực sự là một hình ảnh vô cùng ý nghĩa với họ. Việc số hóa các tài liệu đó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người làm công tác nghiên cứu văn học, báo chí.

Với số lượng thành viên ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng, chúng tôi đã có điều kiện tổ chức những triển lãm quy mô như "Nét xuân trên những trang sách xưa" (3-2010), phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây giới thiệu gần 200 cuốn sách quý hiếm của nền văn học nước nhà với sự tham gia của nhiều gia đình nhà văn nổi tiếng như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Tuân… Tháng 6 - 2010, diễn đàn lại phối hợp với Đông Tây và Thư viện Hà Nội tổ chức triển lãm - tọa đàm "Báo chí Việt Nam (1865-1954) - Quá trình hình thành và phát triển".

- Anh có thể chia sẻ với bạn đọc một vài câu chuyện xúc động quanh việc kết nối những người yêu sách trên trang web này?

- Có hai câu chuyện mà tôi thực sự ấn tượng, đó là sự xúc động của gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan khi lần đầu tiên nhìn thấy cuốn sách đầu tay của ông ("Kiếp hồng nhan", in năm 1924). Câu chuyện thứ hai là nhiều thành viên đã đấu giá những cuốn sách quý mà bản thân từng không muốn bán để lấy tiền tặng những thành viên khác đang gặp khó khăn. Nếu không có sự kết nối các thành viên diễn đàn trên toàn quốc cũng như ở nước ngoài, chúng tôi không thể nào thực hiện được những hoạt động ý nghĩa như vậy.

- Hình như thời gian gần đây sachxua.net không có thêm triển lãm hoặc hoạt động giao lưu quy mô nào?

- Vâng, ngoài một vài triển lãm nho nhỏ. Triển lãm thường xuyên thì cũng khá tốn kém, như chi phí vận chuyển sách, rồi bảo quản những ấn phẩm vốn dĩ đã rất dễ hỏng. Đi xin tài trợ về những lĩnh vực khác thì có thể dễ dàng, chứ hoạt động về văn hóa như sách báo thì rất khó.

- Nhóm có ý tưởng gì để tiếp tục phát triển hoạt động này trong tương lai?

- Từ giờ đến cuối năm, diễn đàn dự định cùng với nhà sưu tập sách Yên Ba tổ chức tiếp một cuộc trưng bày sách với quy mô vừa phải. Ngoài sự kiện này, chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động quan trọng khác như xây dựng, hoàn thiện thư mục các tác gia Việt Nam, nước ngoài, báo chí, số hóa các tài liệu có giá trị… Chúng tôi mong mỏi rất nhiều vào sự hỗ trợ tư liệu của mọi thành viên diễn đàn cũng như những ai quan tâm tới hoạt động hữu ích này.

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Địa chỉ đỏ” của người yêu sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.