Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi tìm mô hình hiệu quả

Nguyễn Mai| 13/07/2010 08:33

(HNM) - Việc mua sách, đọc sách rất bình thường với người dân thành thị, nhưng với người dân khu vực nông thôn, muốn đọc sách không dễ. Những mô hình mới như "tủ sách dòng họ", "thư viện nông thôn"... đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng quê, đang mở ra một chân trời tri thức mới cho người nông dân.

Tủ sách dòng họ Nguyễn Gia, thôn Hoàng Dương (Sơn Công, Ứng Hòa) thu hút nhiều người đến đọc. Ảnh: Thu Hằng


Từ tủ sách dòng họ

Hà Nội đang trải qua những ngày hè oi ả nhưng tủ sách dòng họ Nguyễn Gia ở xóm Chùa, thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa lúc nào cũng có người lui tới. Với hơn 400 đầu sách khác nhau, tủ sách và không gian đọc của dòng họ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần mang nhiều ý nghĩa. Ông Nguyễn Gia Lục, 73 tuổi, người được giao phó trọng trách trông nom tủ sách cho biết, xuất phát từ ý tưởng mang tri thức giúp nông thôn xóa nghèo, cuối năm 2009, nhiều người thành đạt trong dòng họ đã góp tiền của xây dựng tủ sách. Có sách, các gia đình bảo ban con em học tập, tạo thói quen đọc sách cho mọi người. Không chỉ họ Nguyễn Gia, ở làng Chùa còn có tủ sách của dòng họ Nguyễn Duy và tủ sách chung của thôn đặt tại đình làng. Vượt qua phạm vi dòng họ, tủ sách còn đón tiếp người dân trong làng có nhu cầu đọc sách. Theo ông Ngô Đức Đạo, Trưởng thôn Hoàng Dương, làng Chùa có 8 dòng họ với trên 2.000 nhân khẩu thì đã có 3 tủ sách với gần 1.000 đầu sách. Tất cả sách ở đây do các nhà xuất bản uy tín ấn hành, các dòng họ cam kết không nhận và lưu giữ sách báo có nội dung ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục. Chủ tịch UBND xã Sơn Công Lê Xuân Dân khẳng định, làng Chùa trở thành làng tiêu biểu của xã xây dựng được các tủ sách dòng họ, góp phần mang ánh sáng tri thức đến với người dân nông thôn. Cũng nhờ sách, báo mà người dân làng Chùa có trình độ dân trí tương đối cao so với nhiều nơi khác.

Đến thư viện nông thôn

Cùng với những tủ sách dòng họ xuất hiện ngày càng nhiều ở các làng quê, mô hình đọc sách miễn phí tại Trung tâm Hợp tác Việt - Hàn thuộc Tổ chức phi chính phủ GCS đóng trên địa bàn xã Bình Minh, huyện Thanh Oai ra đời cách đây 7 năm cũng đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí cho người dân. Em Vũ Thị Nhã Phương, 17 tuổi, là độc giả thường xuyên của thư viện cho biết, nhà em ở thôn Khê Tang, xã Cự Khê, cách thư viện 2km, song ngày nào em cũng đạp xe đến đọc và mượn sách. Người dân nông thôn nói chung không dư tiền để mua sách, đôi khi có tiền cũng không có chỗ mua, vì thế từ lâu thư viện đã trở thành người bạn thân thiết của em. Cùng với Phương, em Trần Thị Thu Hà, ở xã Thanh Mai, cách thư viện 7km cũng thường xuyên đến đọc sách. Không chỉ thu hút nhiều học sinh, với số lượng phong phú trên 2.000 đầu sách, thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, nông nghiệp, lịch sử, pháp luật, các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, thư viện còn lôi cuốn nhiều nông dân trong vùng đến đọc. Những cuốn sách hướng dẫn cách chăm sóc cây cảnh, chăn nuôi gia súc, cách bón phân cho lúa, cách nuôi cá… là kiến thức bổ ích, thiết thực giúp người nông dân tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh Nguyễn Trọng Tú, quản lý thư viện cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, thư viện đã đón hàng ngàn lượt độc giả, trong đó có khoảng 20% là nông dân. Nhiều người dân thuộc các xã của huyện Chương Mỹ, cách thư viện hàng chục cây số cũng đã vượt sông Đáy sang mượn sách. Điều này cho thấy nhu cầu đọc của các vùng nông thôn là rất lớn.

Mặc dù chưa có thống kê khảo sát nhu cầu đọc ở các vùng nông thôn, song có thể khẳng định nhu cầu đọc của người dân nông thôn đang ngày một tăng. Tuy hiện nay lượng sách, báo được in ra ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu phát hành ở thành phố, thị xã, thị trấn nơi có dân trí cao, chỉ có số ít đến được với bà con nông dân ở thôn quê, nơi trình độ dân trí còn thấp. Nhà nước đã có một số mô hình đưa sách về nông thôn như: thư viện xã, tủ sách các làng, thôn, khu dân cư… do ngành văn hóa quản lý; điểm bưu điện - văn hóa xã và tủ sách pháp luật xã, phường, song thực tế, các mô hình này chưa phát huy được hiệu quả. Ví dụ như, mô hình tủ sách pháp luật thường được đặt tại UBND các xã nên người dân ngại tới đọc. Trong khi đó, tủ sách ở các thôn, làng (thường được đặt tại các nhà văn hóa thôn) hầu như không hoạt động do rất ít nơi có cán bộ chuyên trách trông nom nên thường xuyên "cửa đóng then cài". Đó là chưa kể các tủ sách ở nông thôn còn rất sơ sài, đầu sách ít, thiếu quạt mát vào mùa hè, thiếu bàn ghế. Trong khi nhiều mô hình đưa sách về nông thôn của các ngành chức năng chưa thực sự mang lại hiệu quả thì những "tủ sách dòng họ", "thư viện nông thôn" lại là mô hình hiệu quả, cần được khuyến khích nhân rộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm mô hình hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.