Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di tích khảo cổ học Tràng An: Chứa đựng hệ giá trị nổi bật

Lâm Vũ| 09/10/2012 05:50

(HNM) - Cuối tháng 9 vừa qua, hồ sơ khoa học về quần thể danh thắng Tràng An đã được gửi tới UNESCO. Quần thể này có được công nhận là Di sản thế giới hay không thì chúng ta còn phải chờ, nhưng có một điều chắc chắn là di tích khảo cổ tại đây gợi mở truyền thống định cư, về sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên đầy biến động trong suốt hàng nghìn năm, rất có giá trị.

Mật độ di tích dày

Không kể 4 di tích do cán bộ Khoa Khảo cổ McDonald, Đại học Cambridge khảo sát (2007-2011) là Hang Trống, Hang Mòi, Hang Bói và Đá Màng, từ tháng 4-2012 đến nay, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và thẩm định 21 điểm hang động mới ở khu vực này, trong đó có 7 di chỉ được khai quật là Hang Thung Bình 1, Mái đá Vàng, Hang Mòi, Mái đá Ốc, Mái đá Ông Hay, Mái đá Chợ, Hang Áng Nồi; 5 di chỉ được thám sát gồm Hang Núi Tướng 1, Thung Bình 2, 3, 4 và Hang Trâu.

Tràng An có cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ. Ảnh: Dương Duy Khang

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học, các di tích ở Tràng An đều thuộc loại hình hang động, mật độ cao, phân bố không đều, tập trung ở khu trung tâm và vùng rìa phía tây và tây nam, phần còn lại (phía bắc và phía đông) của khu di sản có rất ít. Chúng phân bố thành nhóm, mỗi nhóm từ 4 đến 6 di tích, chiếm một vài thung lũng núi đá vôi liền khoảnh, thuộc các tiểu vùng cảnh quan khác nhau gồm nhóm 1, 2 ở trung tâm khối đá vôi Tràng An, tiêu biểu là các di tích Hang Trống, Hang Bói và Hang Mòi, Mái đá Ông Hay, Mái đá Chợ, Mái đá Vàng. Các di tích này phân bố trong địa hình núi đá vôi dạng chóp nón, đỉnh nhọn, kết nối với nhau bằng các sống núi kiểu thành lũy, bao lấy các hố sụt, trũng kín, đáy bằng, tụ nước dạng đầm lầy, liên thông với nhau bằng các động xuyên thủy. Nhóm 3 ở rìa phía tây khối đá vôi Tràng An, tiêu biểu là 4 hang: Thung Bình 1, 2, 3, 4 và Hang Chùa. Đây là vùng núi đá vôi dạng tháp tách biệt nhau, thung lũng rộng, ngập nước và liên kết nhau qua mạng lưới sông suối. Nhóm 4 ở rìa tây nam, tiêu biểu là Mái đá Ốc 1, 2, Núi Tướng 1, 2 và Hang Vàng. Cảnh quan nơi đây thuộc dạng chóp nón nối đỉnh, dạng dãy, thành lũy đan xen; thung lũng hẹp chạy dài theo phương tây bắc - đông nam, có nhiều hang xuyên thủy, xuyên thung. Nhóm 5 ở phía bắc, gồm các di chỉ Hang Áng Nồi, Hang Ông Mi, Hang Trâu, Hang Son. Các núi đá vôi ở đây đỉnh bằng, đứng tách rời nhau, rải rác trong các thung lũng ngập nước và được liên thông bởi hệ thống sông suối tự nhiên.

Hé lộ nhiều thông tin quý

Theo các nhà khảo cổ học, thời gian tồn tại và phát triển của các di tích ở đây trải qua 3 giai đoạn lớn, gắn liền với diễn biến trước, trong và sau đợt biển tiến Holocene. Đáng chú ý là từ giai đoạn thứ hai (khoảng 9.000-4.000 năm trước CN), biểu hiện qua những gì đã thấy tại các di chỉ Hang Mòi, Mái đá Vàng, Mái đá Ốc và các hang Thung Bình cho phép hình dung cư dân sống trong môi trường biển, sử dụng công cụ đá vôi là chính, bắt đầu xuất hiện công cụ và đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể biển. Bên cạnh các loài động vật có vú trên cạn và các loài ốc núi, ốc suối, cư dân ở đây còn khai thác nhuyễn thể biển như ốc mít, ốc đá, sò huyết, hàu cửa sông... Giai đoạn thứ ba là giai đoạn 4.000-1.500 năm trước CN, các di tích phân bố rải rác ở toàn khu di sản. Cư dân sống trong môi trường biển thoái, tuy nước có dâng trở lại vào 2.500-1.500 năm trước CN với quy mô nhỏ.

Các di tích khảo cổ cho thấy các cộng đồng cư dân cổ Tràng An duy trì truyền thống chế tác và sử dụng lâu dài công cụ đá vôi, đá dolomit và dolomit vôi. Trong môi trường biển, cư dân ở đây còn sử dụng một số vỏ hàu lớn làm công cụ và đồ trang sức. Đồ gốm xuất hiện sớm và phổ biến với 3 loại, thuộc 3 giai đoạn khác nhau: loại gốm rất thô kiểu gốm Đa Bút, loại thô kiểu Đồng Vườn và loại gốm cứng mỏng, mịn kiểu Đá mới muộn. Các cộng đồng cư dân cổ Tràng An thích ứng có hiệu quả với sự biến đổi của môi trường biển tiến, biển thoái Holocene. Các nhà địa chất đã xác nhận ở Tràng An đã xảy ra 3 giai đoạn biển tiến, biển thoái. Khi nước biển dâng, khu khối đá vôi Tràng An trở thành biển đảo, cắt rời lục địa, cắt rời nguồn cung cấp nước ngọt từ sông suối, nhiệt độ nóng lên, đất đai bị mặn hóa, nhiều loài động vật và thực vật cạn buộc phải di chuyển, biến đổi, một số loài động thực vật biển mới xuất hiện.

Đứng trước biển, người cổ Tràng An đã sáng tạo ra tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì lâu dài kỹ thuật ghè đẽo, triển khai các hoạt động khai thác nguồn lợi rừng, biển, thay đổi kỹ thuật chế tác công cụ, từng bước thích ứng với môi trường tự nhiên. Các nhà khoa học đánh giá, cộng đồng người cổ Tràng An là một thí dụ nổi bật về hình thái định cư lâu dài trong các hang động đá vôi sình lầy, có sự tương thích linh hoạt với sự biến động của môi trường nước, trong và sau biển tiến, làm nên một sắc thái văn hóa riêng, khác với cộng đồng cư dân tiền sử xung quanh. Theo TS Nguyễn Khắc Sử, với những đặc thù riêng, có khả năng ở đây hiện diện một văn hóa mới - "Văn hóa Tràng An", tuy nhiên để khẳng định được điều này cần tiếp tục nghiên cứu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Di tích khảo cổ học Tràng An: Chứa đựng hệ giá trị nổi bật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.