Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Hà Nội: Nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội

Minh Ngọc| 15/05/2016 07:10

(HNM) - Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH) các dân tộc thiểu số (DTTS) được thành phố đặc biệt quan tâm và ưu tiên đầu tư. Vì vậy, gần 7 vạn đồng bào thuộc 37 thành phần DTTS cư trú trên địa bàn Hà Nội đã và đang được hưởng thụ những giá trị văn hóa, tinh thần ngày càng phong phú.

Lễ hội Cồng chiêng là một nét văn hóa đặc sắc của các đồng bào Mường.


Quá trình khôi phục, bảo tồn, phát huy có chọn lọc hệ thống DSVH các DTTS đã góp phần tạo ra những vùng văn hóa, những sản phẩm du lịch đặc thù. Và đây chính là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Hồi sinh di sản văn hóa

Không cứ dịp lễ, tết, nhịp cồng chiêng thường xuyên vang vọng khắp bản Mường từ sườn núi Ba Vì đến vùng cao Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức… là bởi câu lạc bộ cồng chiêng ở các cộng đồng người Mường tổ chức sinh hoạt và truyền dạy cho người trẻ; bởi cồng chiêng lên sân khấu phục vụ du khách tại các điểm du lịch. Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng thôn Đầm Bối, xã Yên Trung (Thạch Thất) nói với chúng tôi: "Cồng chiêng được ví như cái hồn của người Mường, cồng chiêng cùng các điệu hát đối, hát ví trở lại, đời sống văn hóa, tinh thần của người Mường ở Yên Trung sôi nổi, phong phú hơn hẳn".

Chủ tịch UBND xã Yên Trung Đinh Công Tuân cho biết: Sự quan tâm từ phía các cơ quan chức năng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, xây dựng đời sống văn hóa mới đối với cộng đồng người Mường ở Yên Trung đã giúp địa phương trở thành điểm sáng văn hóa với hơn 90% hộ gia đình, 7/7 thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa; các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước các tiêu chí khác.

Tại địa bàn cao nhất, xa nhất của Thủ đô, hằng ngày, đồng bào Mường ở các xã Minh Quang, Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Ba Trại… thuộc huyện Ba Vì đến nhà văn hóa các thôn, xóm sinh hoạt cộng đồng. Ngày lễ, tết, đồng bào duy trì các nghi lễ văn hóa của người Mường trong bộ trang phục truyền thống. Cách bản Mường không xa, nét văn hóa đặc trưng của người Dao là lễ cấp sắc, tết nhảy, múa chuông, múa rùa… được các cơ quan chức năng tạo điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị.

Cùng với hệ thống DSVH phi vật thể, không gian văn hóa và các công trình di tích gắn bó với cộng đồng các DTTS trên địa bàn cũng được tu bổ, tôn tạo. Điển hình là cụm di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ khu vực miền núi Ba Vì được tôn tạo chủ yếu bằng hình thức xã hội hóa với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh cho cộng đồng người Mường, người Dao, người Kinh và nhiều DTTS khác cư trú nơi đây. Thông qua giao lưu, trao đổi văn hóa, đồng bào các DTTS đã nhận diện rõ hơn giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn; đồng thời từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tiếp thu yếu tố văn minh, tiến bộ để xây dựng đời sống văn hóa mới.

Nếu như trước đây, đồng bào Dao ở Ba Vì thách cưới bằng bạc trắng hoa xòe, giết trâu, mổ lợn mang lễ đến nhà gái, tổ chức đám cưới trong nhiều ngày, mời cả bản ăn cỗ, thì nay 100% số đám cưới được tổ chức gọn trong phạm vi gia đình, dòng họ. Việc tang bỏ hẳn hủ tục mời thầy cúng về nhà cúng bái, người nhà đội khăn tang đi khắp làng mời ăn cỗ. Đám cưới, đám tang của người Mường ở Hà Nội hôm nay thực hiện theo quy ước văn hóa mới. "Kinh tế và văn hóa, xã hội là mối quan hệ tương hỗ. Văn hóa phát triển, DSVH của cộng đồng các DTTS được bảo tồn, phát huy đã góp phần tạo ra những vùng văn hóa đặc thù. Trong xu hướng phát triển hiện nay, những vùng văn hóa đó có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du lịch. Lượng khách du lịch đến với huyện Ba Vì tăng mạnh trong những năm gần đây đã chứng minh điều này", Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến nhấn mạnh.

Hướng đến sự phát triển bền vững

Có một thực tế như nhiều địa phương khác, DSVH của cộng đồng các DTTS trên địa bàn Hà Nội sau một thời gian dài ít được quan tâm đã không còn nguyên vẹn. Hầu hết những người có khả năng thực hành và truyền dạy DSVH phi vật thể đã ở tuổi "xưa nay hiếm"; di tích xuống cấp và gặp khó khăn về nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo. Một số nơi thiếu đất, thiếu kinh phí xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Đề án bảo tồn tri thức làm thuốc Nam của đồng bào Dao (Ba Vì) mang lại thu nhập ổn định cho người dân.


Nhận thức rõ điều này, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội đã lựa chọn một số di sản tiêu biểu của đồng bào để bảo tồn theo hướng khoa học, bền vững, mang lại nguồn lợi trực tiếp cho cộng đồng. Qua việc triển khai đề án bảo tồn tri thức làm thuốc Nam từ năm 2015 đến nay, đồng bào Dao (Ba Vì) được phổ biến, trao đổi kinh nghiệm về cách lấy thuốc, ươm trồng cây thuốc, cách sơ chế cũng như kinh nghiệm chữa bệnh. Những người nhiều năm làm nghề như bà Triệu Thị Bình, Lý Thị Nội (thôn Yên Sơn), Triệu Thị Thanh, Triệu Thị Duyên (thôn Hợp Sơn)… hiện trở thành "hạt nhân" trong việc phổ biến tri thức làm thuốc Nam cho cộng đồng người Dao ở xã Ba Vì. "Số hộ gia đình người Dao ở Ba Vì sống nhờ cây thuốc Nam không ít, nhưng đó là sự phát triển tự phát. Với sự hỗ trợ toàn diện từ phía các cơ quan chức năng, tôi tin tri thức chữa bệnh bằng thuốc Nam của người Dao ở Ba Vì sẽ được trao truyền từ đời này sang đời khác, mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào", lương y Lý Văn Nguyên, cư trú tại xã Ba Vì nói với chúng tôi như vậy.

Để di sản thực sự "ăn sâu, bám rễ" trong cộng đồng, các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai đã xây dựng đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, trong đó ưu tiên bảo tồn các di sản điển hình. Huyện Ba Vì với thế mạnh về du lịch đã lồng ghép kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị DSVH của cộng đồng DTTS với chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020. Và trong lộ trình xây dựng NTM, việc bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH được các ngành, các địa phương ưu tiên đầu tư đồng bộ, toàn diện. Hoàn toàn có thể nói rằng DSVH các DTTS sẽ trở thành nguồn lực phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Hà Nội: Nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.