Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi săn mùa nước nổi miền Tây

Hà Phạm| 17/09/2018 06:22

(HNM) - Khác với mùa lũ tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc thường gắn liền với lũ ống, lũ quét và mưa lớn gây thiệt hại nặng nề, mùa nước lũ (thường gọi là nước nổi) mênh mông ở miền Tây Nam Bộ lại đem đến những mùa vàng tốt tươi cho vụ sau cũng như nguồn lợi thủy sản rất lớn cho người dân.

“Săn” súng ma ở Tân Hưng (tỉnh Long An).


Giàu sản vật

Năm nay, mùa nước đến sớm và dự báo sẽ lớn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Những ngày đầu tháng 9, nước đã tràn bờ ở nhiều cánh đồng miền biên giới phía Tây Nam Tổ quốc. Đi dọc tuyến đường N2 (đường Hồ Chí Minh qua miền Tây), quốc lộ 62, quốc lộ 30, quốc lộ 91... là những cánh đồng ngập nước trải dài ngút tầm mắt. Nhiều nơi, nước nổi dâng cao, xóa nhòa ranh giới đồng đất, kênh rạch...

Nước nổi không chỉ có tác dụng rửa phèn, tạo phù sa mà còn mang đến vô vàn sản vật đặc trưng cho cư dân nơi đây. Tại ngã ba Tân Lập, xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), chúng tôi gặp một nhóm hơn 10 người đang chuẩn bị đồ nghề để vào sâu trong đồng săn rắn mối.

Anh Nguyễn Văn Viết (43 tuổi), một người dân ở xã Tân Lập chia sẻ: "Từ gần một tháng nay, mấy anh em trong ấp đều đi săn rắn mối tại những cánh đồng ở Bắc Hòa, Kinh Cùng hay Hậu Thạnh Đông. Ngày nào cũng vậy, cứ dọc theo tuyến kênh Dương Văn Dương, kênh Bảy Thước vào sâu trong đồng nước nổi, thấy có bờ đất nhô cao, có cây me, cây tràm mọc giữa mênh mông nước là biết có rắn mối”.

Theo anh Viết, có nhiều cách để bắt rắn mối, nhưng mùa nước nổi nhóm bạn anh thường câu vào ban ngày và đặt bẫy vào ban đêm. Quanh đây có rất nhiều rắn. Nước về chúng phải tìm tới khu đất, cây cối không bị ngập để trú ngụ và kiếm thức ăn (kiến, côn trùng, mối…) thì cũng là lúc người dân săn bắt chúng. Rắn mối bây giờ rất được ưa chuộng, giá lên đến 220 nghìn đồng một kilôgam. Săn được bao nhiêu thương lái đều mua hết rồi họ chuyển lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Có ngày anh Viết săn được 5kg rắn, kiếm cả triệu đồng. “Hy vọng mùa nước năm nay kéo dài tới tháng 11 để kiếm đủ tiền sửa lại căn nhà”, anh Viết nói.

Niềm vui không chỉ đến với anh Viết, nhóm bạn của anh, mỗi người một chiếc ghe vỏ lãi (một loại thuyền máy) rong ruổi trên đồng nước hoang vu cả ngày đều có thể kiếm được vài trăm nghìn cho tới hàng triệu đồng từ việc săn loài vật nhỏ bé này.

Cũng đi săn trên đồng nước nổi những ngày này, nhiều người dân ở các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) lại rủ nhau đi bẫy (gác) gà nước (còn gọi là cúm núm, gà đồng). So với rắn mối, để bắt được những chú gà nước phải cầu kỳ hơn nhiều. Thậm chí, những thợ săn phải sử dụng cả gà mồi, là những chú gà nước bị bắt trước đó rồi nhốt vào trong lồng, đặt gần cái bẫy.

Tuy nhiên, hiện nay họ thường sử dụng gà mồi giả, là những chú gà làm bằng nhựa, có bộ lông của gà thật gắn máy ghi âm, phát ra tiếng kêu. Cũng như le le, vịt trời, hiện gà nước khá hiếm nhưng giá rất cao, lên đến nửa triệu đồng một cặp. Vì thế, nếu may mắn săn được vài con gà nước, nông dân có thể kiếm được cả triệu đồng một ngày.

Cùng với những nghề trên, không ít nơi, mùa nước nổi cũng là thời điểm người dân miền Tây đẩy mạnh nghề săn chuột đồng, đánh bắt thủy sản (rùa, rắn nước, rắn ri, cá linh...) theo con nước từ Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, thậm chí là từ Trung Quốc đổ về.

Nhịp sống cùng con nước

Điều thú vị ở mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ là ngay cả trẻ nhỏ, những phụ nữ "chân yếu, tay mềm" cũng dễ dàng kiếm được tiền. Đó là những người đi hái bông sen, bông súng, điên điển, so đũa hay hẹ nước. Chị Bé Tư, một người dân ở xã Vĩnh Châu B (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) kể, cũng như nhiều người trong xã, mùa nước nổi luôn đem đến nhiều khoản thu nhập cho gia đình chị. Chồng và người con lớn đi ghe xa hơn để đặt lọp (một dụng cụ bắt tôm, cá), còn chị với hai con gái nhỏ thì chèo ghe bầu loanh quanh mấy cánh đồng ven kênh Trung Ương, Phước Xuyên để hái sen, hái súng, củ ấu...

“Mùa nước nổi nhiều thứ lắm, mà thứ gì bây giờ cũng là đặc sản dễ bán. Ba mẹ con tôi thường đi hái súng ma, là bông súng chỉ xuất hiện vào mùa lũ. Nếu hoa súng thông thường nở vào ban ngày thì súng ma chỉ nở ban đêm. Súng ma dài tới 5-6m, thân mềm, ngọt, dùng để chế biến lẩu, gỏi ăn rất ngon. Hiện cây súng ma được thương lái thu mua với giá khá cao, rồi đưa về thành phố bán cho các nhà hàng, quán ăn. Ngày xưa súng ma mọc hoang dã khắp nơi nhưng bây giờ thì khác, phải đi sâu vào các cánh đồng hoang mới kiếm được”, chị Bé Tư cho hay.

Đi dọc những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hay đường quê mùa nước nổi, từ các huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An) đến các huyện Hồng Ngự, Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), hay thị xã Tân Châu, TP Châu Đốc (tỉnh An Giang)..., điều dễ nhận thấy là nhịp sống sôi động của người dân nơi đây. Dường như, khi con nước tràn về đã làm thay đổi không chỉ thiên nhiên, đồng đất.

Nước nổi chi phối mọi hoạt động của hàng triệu cư dân, tạo thành một nhịp sống thân quen suốt bao đời. Nơi những ngã ba, ngã bảy, ven cầu là những chợ nho nhỏ mọc lên với mấy chậu cá linh, rổ ốc đồng, cá trê, cá lóc hay mớ điên điển màu vàng, bịch hạt sen màu ngọc, bó bông súng màu tím, xâu cúm núm treo ngược... Tiếng cười nói, mua bán, trò chuyện vang khắp nơi. Rồi thấp thoáng là những chiếc xe đẩy chất đầy những hàng hóa đặc trưng đó đi dọc ven đường.

Tại ngã ba xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), bà Nguyễn Thị Út (61 tuổi), chủ một vựa buôn bán đặc sản mùa nước nổi kể, mỗi ngày bà thu mua được hơn 200kg hàng, chủ yếu là cá lóc, cá trê, ốc đồng. Sau đó, bà gửi lên chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) cho mối hàng quen.

“Gần đây, tôi còn lấy thêm bông (hoa) súng với điên điển, so đũa nữa. Giờ cái gì mùa nước nổi cũng có giá hết. Trên TP Hồ Chí Minh họ gọi xuống lấy hàng nhưng cũng khó vì sản vật không còn nhiều, phải đi săn lùng. Hơn nữa, nếu không phải là dân trong nghề rất dễ bị các nguồn hàng nuôi công nghiệp đánh lừa, trà trộn với hàng tự nhiên”, bà Út nói.

Trong những ngày rong ruổi ở miền Tây, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân ở đây đều mong mùa nước nổi. Thậm chí, nếu năm nào nước lũ phía thượng nguồn không đổ về thì năm đó nhiều hộ dân coi như bị mất đi một nguồn thu đáng kể. Và nhiều năm qua, những làng nghề phục vụ cho mùa nước nổi ở miền Tây cũng rất phát triển như làng nghề đan lưới, đan lọp, làng uốn câu, đóng ghe xuồng, sửa chữa vỏ lãi...

Nước nổi với quy luật bao đời như một món quà mà trời đất, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho người dân nơi đây!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đi săn mùa nước nổi miền Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.