Có hai câu thơ của tác giả Lan Tử Viên mà tôi đọc được vào một sáng mùa hè: “Cuộc đời tuy nhỏ bé/ Đi mãi vẫn khôn cùng”. Rồi ý thơ này bỗng nảy ra trong đầu tôi sau những trang viết cuối cùng cuốn tiểu thuyết “Bố con cá gai”. Di sản của cuộc đời còn có thể là gì nếu không phải là tình yêu thương. Đây hẳn là điều mà người đọc sẽ nhận ra sau những khóc nghẹn và đau nhói khi đọc hơn 300 trang sách của nhà văn Cho Chang - In.
Cuộc đời con người chỉ là một chấm đen bé xíu giữa thế giới rộng lớn, nhưng cuộc đời “khôn cùng” bởi nỗi cô đơn và những đau đớn nghiệt ngã đôi khi không thể nào đong đếm được, thậm chí cho đến khi con người ta nằm xuống, có những điều vẫn cứ còn khắc khoải. Hình ảnh biểu tượng cho tác phẩm này là con cá gai - bảo vệ trứng cá gai khi cá gai mẹ bỏ đi, rồi khi cá gai con trưởng thành, cá gai bố sẽ đâm vào vách đá chết, cũng như người cha Jong Ho Yeon đã hy sinh cả cuộc đời mình cho con.
Jong Ho Yeon sinh ra và lớn lên trong bất hạnh, mẹ bỏ đi, cha vì bất lực trước cuộc đời quá khó khăn, đã bỏ anh lại ở đồn công an và tập tễnh với một bên chân giả đi sâu mãi vào bóng tối. Và, giữa những khổ sở về vật chất và sự cô độc giữa cuộc đời không một điểm tựa, anh đã lớn lên tử tế, đã sống chân thật với chính mình, đã luôn khao khát yêu thương.
Thật may mắn khi giữa đường đời gập ghềnh chông chênh, Jong Ho Yeon vẫn có thể yêu thương, kết hôn và có con. Dẫu anh đau đớn khi người vợ rời bỏ, nhưng anh còn có con trai nhỏ, ý nghĩa của cuộc đời anh từ đó xoay quanh bé Daum. Anh đã dành mọi thứ cho đứa con trai nhỏ bị bệnh máu trắng. Cho đến cuối cùng, khi xác thân đau đớn vì bệnh tật, khi đã bán một bên giác mạc để trả viện phí ghép tủy cho con, khi giữa mịt mờ, lo lắng, ấm ức khiến anh nghĩ “biết nói lời hy vọng gì cho chính mình đây?”, thì anh vẫn khao khát dành “cả tấm lòng” mình cho con trai và thấy may mắn vì có thể còn làm điều gì đó cho con trước khi ra đi.
Người cha ấy, và có lẽ cũng là rất nhiều người cha trên đời này, dù khổ sở ra sao vẫn cố gắng đứng vững vì con, dù những cơn đau hành hạ vẫn đứng tì trán vào cửa kính cười với con trong phòng vô trùng bằng bên mắt còn lại. Và, ngay cả giữa cơn đau vì căn bệnh ung thư gan, điều mà người cha nghĩ cũng là: “Khi con nói con đau, thì bố chỉ biết là đau thôi, chứ không thể tưởng tượng ra con đau đớn nhường nào”...
Cuốn sách khiến người đọc đau lòng không chỉ bởi sự hy sinh của người cha, mà còn bởi sự hiểu chuyện và tấm lòng yêu bố vô bờ, ý chí vượt qua bệnh tật đau đớn của cậu bé Daum 10 tuổi. Độc giả làm sao cầm nổi nước mắt khi cậu bé nói: “Nhưng vì chỉ nhìn thấy một mắt nên giống như chỉ có một nửa của bố thôi vậy. Hóa ra điều làm nên bố tôi chính là đôi mắt…”. Và cả khi tỉnh dậy sau ca ghép tủy, câu đầu tiên cậu bé nói với bố là “Mắt của bố… vẫn… đau à?”.
Phải chăng tiểu thuyết "Bố con cá gai" của nhà văn Cho Chang - In được viết từ chính nỗi đau mất cha từ năm 6 tuổi, viết từ nỗi đau của một người bạn chứng kiến cảnh con đau đớn vì bệnh nan y mà không thể chịu đựng thay, và viết bằng cảm xúc khi được làm cha một đứa trẻ, nên đã thực sự chạm đến sâu thẳm tình yêu thương nơi trái tim người đọc. Tin rằng, dù không biết về cái chết của bố, dù sống ở nước Pháp xa xôi không còn được ở bên bố, nhưng Daum sẽ trở thành một người hạnh phúc và tử tế đúng nghĩa như cái tên. Bởi di sản to lớn mà cậu bé nhận được từ bố không chỉ là tập thơ của bố với lời đề tặng: “Bố mong Daum hãy yêu cuộc sống, và nhận được thật nhiều tình yêu từ cuộc sống”, mà hơn hết là tình yêu thương đong bằng trọn vẹn cuộc đời của bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.