Hướng tới Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu hai cuốn sách “Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)” của các tác giả Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng biên soạn và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” do GS.TS Tạ Ngọc Tấn, PGS.TS Vũ Trọng Lâm chủ biên.
Đây chính là chìa khóa giúp bạn đọc mở cánh cửa về quá khứ, khám phá những giá trị văn hóa - lịch sử thiêng liêng, cội nguồn dân tộc.
Cuốn sách “Thời đại Hùng Vương” (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội) vừa ra mắt, là một công trình nghiên cứu công phu, tập hợp những phân tích đa chiều về giai đoạn đầu tiên của lịch sử dân tộc. Cuốn sách đi sâu vào khảo cứu về mô hình tổ chức nhà nước sơ khai thời Văn Lang - Âu Lạc, đời sống kinh tế nông nghiệp lúa nước, những phong tục tập quán hình thành nền văn hóa Việt cổ. Đặc biệt, các tác giả còn đặt thời đại Hùng Vương trong bối cảnh lịch sử Đông Nam Á, làm rõ vị trí và vai trò của quốc gia Văn Lang trong tiến trình phát triển của khu vực.
“Thời đại Hùng Vương” gồm 5 phần: “Nước Văn Lang: Bờ cõi, tên nước và dân cư”, “Trạng thái kinh tế”, “Thể chế xã hội và chính trị”, “Đời sống văn hóa”, “Nước Âu Lạc của An Dương Vương hay là sự kết thúc thời đại Hùng Vương”.
Những kết quả nghiên cứu trong cuốn sách này không chỉ giúp tái hiện một cách chân thực diện mạo của thời đại Hùng Vương mà còn khẳng định tính liên tục, trường tồn của văn hóa Việt Nam từ buổi sơ khai đến nay. Đây là tài liệu quý giá để hiểu sâu hơn về nguồn cội dân tộc, từ đó củng cố niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa Việt.
Nếu “Thời đại Hùng Vương” đưa người đọc trở về thời kỳ sơ khai, nơi cư dân Lạc Việt xây dựng nền móng đầu tiên của quốc gia Văn Lang, thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” lại lý giải vì sao phong tục thờ cúng Vua Hùng không chỉ là truyền thống mà còn là một di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết, cuốn sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” được thực hiện nhằm góp phần truyền bá Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tới bạn bè quốc tế; đánh giá rõ thêm các di tích Đền thờ Vua Hùng trên phạm vi cả nước để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự cho trang nghiêm và xứng tầm; sưu tầm, chuẩn hóa điển tích, trình tự nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để tạo sự thống nhất trong cả nước; xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại.
Hai cuốn sách không chỉ đơn thuần là những tư liệu khoa học mà còn có ý nghĩa kết nối quá khứ với hiện tại, truyền lửa yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.