(HNM) - Luật Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội xác định phải giảm mật độ dân cư trong nội đô và bàn giao phần đất trụ sở bộ, ngành sau di dời để xây dựng các công trình công cộng, cây xanh và giảm quá tải cho hạ tầng đô thị.
Dù đã có trụ sở mới khang trang, nhưng một số bộ, ngành chưa bàn giao lại trụ sở cũ. ảnh: Bá Hoạt |
Có mới, vẫn thiếu... diện tích sử dụng!
Tháng 12-2010, Bộ Nội vụ tổ chức lễ khánh thành trụ sở mới (số 8, đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy), với quy mô cao 17 tầng. Tuy nhiên, trụ sở cũ (số 37, phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng) chưa được bàn giao cho TP Hà Nội. Đến tháng 5-2017 trụ sở này lại được chuyển cho Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội sử dụng.
Tương tự, từ tháng 5-2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển về trụ sở mới (số 10, đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy), trên diện tích 1,3ha gấp 4 lần so với trụ sở cũ (số 83, đường Nguyễn Chí Thanh), cao 18 tầng, kinh phí đầu tư hơn 350 tỷ đồng, nhưng vẫn giữ lại trụ sở cũ với lý do trụ sở mới không đáp ứng được yêu cầu sử dụng.
Nằm tại địa chỉ 113 phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), trụ sở mới của Bộ Khoa học & Công nghệ là một tòa nhà cao 13 tầng, được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 1,8ha. Cuối năm 2011, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. So với trụ sở cũ tại số 39, phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), chỉ có quỹ đất 0,15ha, quy mô 4 tầng, thì trụ sở mới có diện tích sử dụng gấp 12 lần. Tuy nhiên, bộ này không trả lại trụ sở cũ với lý do vẫn thiếu diện tích sử dụng(?).
Theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, vấn đề đáng lưu tâm là sau khi các đơn vị di dời xong thì trụ sở cũ sử dụng thế nào. Bởi, quỹ đất cũ trong định hướng quy hoạch là xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh và một số công trình nâng cao chất lượng sống cho người dân, nhưng cơ chế chính sách bàn giao như thế nào cho Hà Nội thì chưa có.
Phương án nào sử dụng đất trụ sở cũ?
Trụ sở mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên đường Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy). Ảnh: Thái Hiền |
Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Theo đó, yêu cầu Bộ Xây dựng đề xuất phương án cụ thể việc sử dụng diện tích đất tại các vị trí cũ sau khi các cơ quan di dời; đề xuất xây dựng quy hoạch đối với các khu đất tại vị trí cũ để có cơ sở xây dựng phương án huy động tài chính từ quỹ đất sau khi di dời. Khu vực quy hoạch trụ sở mới phải được kết nối thuận lợi với khu trung tâm các cơ quan của Đảng, Nhà nước để bảo đảm sự phù hợp trong hoạt động, sử dụng và giao dịch; kết nối hạ tầng, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị văn minh, hiện đại, có quy mô phù hợp và tiết kiệm...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đồ án quy hoạch của Bộ Xây dựng đã nêu rõ sự cần thiết và yêu cầu khi thực hiện di dời trụ sở các cơ quan; vị trí di dời, mô hình bố trí công trình, các giải pháp đầu tư. Để tiếp tục hoàn thiện, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các đoàn thể rà soát hiện trạng sử dụng trụ sở làm việc tại TP Hà Nội (bao gồm trụ sở làm việc chính và trụ sở của các cơ quan, đơn vị trực thuộc) làm căn cứ xem xét, tính toán tổng thể về nhu cầu đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, đề xuất phương án chung về sử dụng các cơ sở nhà, đất do các cơ quan đang quản lý, sử dụng.
Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và đơn vị tư vấn phối hợp với Hà Nội và các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng và phân loại việc di dời theo mức độ cấp thiết và theo giai đoạn (di dời ngay, di dời theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn…). Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các bước lập, thẩm định và trình phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-10-2017.
Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19-1-2017, trụ sở của các đơn vị sẽ tập trung tại khu trung tâm Tây hồ Tây với quy mô khoảng 20ha và khu Mễ Trì với quy mô khoảng 55ha.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện phương án quy hoạch trụ sở 13 bộ, ngành sau khi di dời. Theo tính toán sơ bộ, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây mới 13 trụ sở sau di dời vào khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, khu Tây hồ Tây khoảng hơn 8.500 tỷ đồng, khu Mễ Trì khoảng hơn 9.400 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.