(HNMO) - Theo Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội - Đợt 1, Hà Nội đặt nhiệm vụ triển khai xây dựng lại 6 khu chung cư, nhà chung cư (có nhà nguy hiểm cấp D). UBND quận Ba Đình và Đống Đa được giao di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý I-2022. Tuy nhiên, đến nay, việc này vẫn chưa hoàn tất. Vì vậy, chính quyền sẽ phải sử dụng các biện pháp xử lý hành chính…
Còn 26 hộ chưa đồng thuận di dời
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong số 6 nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, quận Đống Đa có 1 nhà (số 51 Huỳnh Thúc Kháng), đến nay đã hoàn thành di dời hộ dân.
Trong 5 nhà còn lại nằm trên địa bàn quận Ba Đình (gồm: Nhà A Ngọc Khánh, nhà C8 Giảng Võ, nhà G6A Thành Công, tập thể Bộ Tư pháp (phố Phan Kế Bính) và nhà số 148-150 Sơn Tây), UBND quận Ba Đình đã hoàn thành di dời các hộ dân khỏi 3/5 nhà nguy hiểm.
Theo UBND quận Ba Đình, hiện nhà G6A tập thể Thành Công còn 23 hộ và nhà số 148 - 150 phố Sơn Tây còn 3 hộ chưa đồng thuận.
Lý giải nguyên nhân tiến độ di dời các hộ dân không đạt yêu cầu, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho hay, quỹ nhà tạm cư chưa bảo đảm đủ điều kiện ở thiết yếu, bị xuống cấp dẫn đến rất khó vận động, thuyết phục các hộ dân sớm di dời ra khỏi nhà nguy hiểm.
Ngoài ra, một số hộ dân chưa đồng thuận vì muốn được gặp, trao đổi với chủ đầu tư xây dựng chung cư mới về diện tích căn hộ, thời gian nhận căn hộ cùng các quyền lợi khác.
Bên cạnh đó, do bị hạn chế về số tầng công trình đã quy định tại đồ án quy hoạch phân khu H1-2, dẫn tới diện tích sàn kinh doanh còn lại ít, nên nhà đầu tư không "mặn mà" tham gia dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Sẽ sử dụng biện pháp hành chính
Tại nhà G6A Thành Công, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy rõ tình trạng lún nghiêng. Vết nứt tách khối nhà đơn nguyên 1, 2 với khối nhà liền kề rộng nhất lên đến 0,8 - 1,2m.
Tuy nhiên, theo các hộ dân, họ không đồng tình với kết quả kiểm định và kiến nghị lập đoàn thanh tra về nội dung này. Ông Nguyễn Văn Chi (phòng 407, nhà G6A Thành Công) cho rằng, từ khi mới đưa vào sử dụng (năm 1990), khối nhà đã lún nghiêng như vậy. Bên cạnh đó, người dân lo lắng “ra đi không biết ngày về” và muốn được chủ đầu tư cam kết lộ trình xây dựng lại tòa nhà.
Trả lời về các kiến nghị của người dân, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định, các chung cư cũ có kết quả kiểm định cấp độ D đều do cơ quan có uy tín thực hiện. Đặc biệt, chung cư G6A Thành Công đã được kiểm định 2 lần và có kết quả như nhau. Quyền lợi các hộ dân được luật pháp bảo vệ; hộ dân được tái định cư tại nơi ở cũ với diện tích căn hộ lớn hơn.
“Việc di dời các hộ dân khỏi các chung cư cũ nguy hiểm là để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Người dân không nên chủ quan trước mối nguy hiểm không lường trước”, ông Tạ Nam Chiến nói.
Đối với mong muốn được gặp, trao đổi với chủ đầu tư xây dựng chung cư mới, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng đây là yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, hiện chưa có nhà đầu tư vì theo Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, phải lập, phê duyệt quy hoạch trước, sau đó UBND thành phố ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, công bố công khai 15 ngày. UBND quận lập danh sách các nhà đầu tư đăng ký, trình thành phố phê duyệt.
Tiếp đó, các nhà đầu tư lập phương án tái định cư phù hợp quy hoạch đã duyệt và các quy định; UBND quận tổ chức hội nghị nhà chung cư để người dân lựa chọn ra một nhà đầu tư. Thành phố chấp thuận phương án đó, rồi nhà đầu tư lập đề xuất công trình đầu tư, trình thành phố phê duyệt. Từ đó, chủ đầu tư tiến hành lập dự án, đầu tư xây dựng công trình và bàn giao căn hộ cho người dân.
Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện công khai thông qua tỷ lệ phiếu do các hộ dân tự quyết định tại hội nghị nhà chung cư. Do đó, tất cả các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trước đây đã từng thăm dò, lấy ý kiến người dân, nếu muốn tiếp tục tham gia đầu tư đều phải thực hiện theo quy trình trên.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho hay, hiện nay các khu chung cư cũ trên địa bàn quận đang ở giai đoạn lập quy hoạch chi tiết. Quận đã đo đạc, khảo sát, lấy chỉ giới đường đỏ, số liệu kỹ thuật và các dữ liệu hiện trạng. Dự toán quy hoạch chi tiết đã được gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt, làm cơ sở lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch.
“Mọi việc đang được thực hiện rất khẩn trương. Trường hợp các hộ dân vẫn không đồng thuận di dời, UBND quận sẽ phải sử dụng các biện pháp xử lý hành chính”, ông Tạ Nam Chiến nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.