Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di dời các hộ dân khỏi di tích trên địa bàn Hà Nội: Còn lắm gian nan (*)

Dạ Khánh - Thùy Ngân| 14/08/2014 06:17

(HNM) - Hiện trạng nhiều di tích đang bị xuống cấp, biến dạng do tình trạng


Khi đề cập đến vấn đề "xâm cư" trong khu di tích, một cán bộ công tác trong ngành văn hóa lý giải: "Bản chất của việc này bắt nguồn từ những biến động lịch sử và do quản lý chưa tốt. Thời điểm những năm 1960-1970, do thiên tai lũ lụt, chiến tranh… nhiều người mất nhà cửa đã phải chạy vào di tích để lánh nạn, vô tình xâm hại di tích”. Tại Hà Nội, tình trạng di tích bị "xâm cư" xảy ra tập trung nhiều nhất ở các quận nội thành cũ: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình. Điều đáng nói là việc "xâm cư" này vi phạm đến nhiều hạng mục kiến trúc di tích, ảnh hưởng đến không gian cảnh quan, chất lượng công trình di tích, trong đó có nhiều vi phạm xảy ra trong khu vực I (đây là khu vực bảo vệ gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, cần được bảo vệ nguyên trạng). Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, từ trước khi sáp nhập địa giới hành chính, thành phố đã có chủ trương GPMB các hộ dân sống trong khu vực I các di tích đã xếp hạng. Công việc này được giao cho các quận, huyện chủ động lên phương án, kế hoạch thực hiện.

Đình Ngọc Hà (Ba Đình) đang được đầu tư tu bổ sau khi đã di dời một số hộ dân.


Đi đầu trong công tác bảo tồn tu bổ di tích phải kể đến quận Hoàn Kiếm. Theo kết quả điều tra cơ bản năm 2012, Hoàn Kiếm hiện có 188 di tích, trong đó có 40/77 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, 44/54 di tích cách mạng kháng chiến đã được gắn biển công nhận. Toàn quận hiện có gần 450 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu đang ở và sử dụng trong di tích, trong số đó có 120 hộ dân có hợp đồng với cơ quan nhà đất, 330 trường hợp không có giấy tờ hợp đồng tự ý vào sử dụng. Số di tích bị lấn chiếm, vi phạm dàn trải ở phần lớn các di tích trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở khu vực phố cổ. Từng bước giải quyết việc di chuyển các hộ dân ra khỏi khuôn viên các di tích lịch sử đã được xếp hạng đang là chủ trương được quận Hoàn Kiếm thực hiện trong những năm vừa qua. Cụ thể, từ năm 2005 - 2011, Hoàn Kiếm đã di chuyển được 53 hộ dân, 2 cơ quan, 4 cửa hàng ra khỏi di tích, đầu tư tu bổ, tôn tạo được 30 di tích với kinh phí hàng trăm tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách và huy động xã hội hóa như: Đền Bạch Mã, đình Yên Thái, chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Thiên Phúc… Năm 2012, bên cạnh đầu tư trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích: Chùa Bà Đá, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, đền Phù Ủng; quận cũng triển khai GPMB, di chuyển các hộ dân ở 4 di tích với 27 hộ dân được chuyển khỏi di tích về nơi ở mới, trả lại cảnh quan ban đầu cho nhiều di tích như chùa Kim Cổ, chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù… Hiện Hoàn Kiếm đang triển khai đề án giãn dân ra khỏi khu phố cổ, trong đó đối tượng triển khai đầu tiên là những hộ dân sống trong các công trình di tích.

Tương tự như vậy, quận Ba Đình cũng rất tích cực trong công tác GPMB di dời nhà dân khỏi các dự án tu bổ đình, đền, chùa. Hết năm 2013, quận Ba Đình đã hoàn thành xong các dự án đền Quán Thánh, đền Voi Phục, chùa Thanh Ninh. Kế hoạch trong năm 2014 này sẽ triển khai 7 dự án đình, đền, chùa khác. Hiện các dự án này đều đã có quyết định phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư.

Cần cơ chế phối hợp lâu dài, đồng bộ


Không chỉ góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di tích, bảo đảm cảnh quan không gian kiến trúc, việc di dời các hộ dân sống trong di tích còn bảo đảm và nâng cao chất lượng sống của người dân, song những khó khăn chung mà các quận đang gặp phải là nguồn kinh phí thực hiện. Tại quận Hoàn Kiếm, chỉ tính riêng việc GPMB hơn 20 hộ dân trong di tích thuộc thẩm quyền quản lý của quận đã chi phí tới 50 tỷ đồng nên để làm trọn vẹn công tác tách người dân ra khỏi di tích phải cần đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch GPMB của quận Ba Đình, dự án chùa Bát Tháp có 19 phương án thu hồi 0,13ha với số tiền chi trả bồi thường hơn 40 tỷ đồng; chùa Kim Sơn chỉ có 3 phương án thu hồi 0,014ha nhưng cần đến hơn 7,6 tỷ đồng…

Ngoài nguồn kinh phí lớn để phục vụ đền bù hỗ trợ GPMB còn phải kể đến khó khăn do thiếu quỹ nhà tái định cư. Bà Từ Hồng Điệp - Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Ba Đình cho biết: Nhiều dự án được người dân đồng tình ủng hộ hoặc đã qua công tác tuyên truyền vận động người dân chấp thuận thì lại mắc ở quỹ nhà tái định cư. Cụ thể, dự án chùa Kim Sơn cần 7 căn hộ tái định cư nhưng Sở Xây dựng mới bố trí được 4 căn hộ tại NOCT thị trấn Cầu Diễn, cần có thêm 3 căn hộ nữa mới có thể tổ chức bốc thăm nhận nhà tái định cư cho các hộ dân... Một cán bộ Ban Bồi thường GPMB quận Ba Đình phát biểu "Nếu được đáp ứng nguồn kinh phí, được bố trí quỹ nhà tái định cư đủ và phù hợp, công tác GPMB dự án tu bổ đình, đền, chùa bảo đảm sẽ được tiến triển nhanh và có hiệu quả hơn nhiều".

Ngoài những khó khăn trên còn phải kể đến sự bất hợp tác của người dân sống trong di tích. Việc "xâm cư" di tích không chỉ dừng lại ở hoạt động ăn ở mà còn là nơi mưu sinh của đại đa số người dân sống trong di tích, khiến không gian tôn nghiêm của di tích bị xâm phạm nghiêm trọng. Khi phải di dời GPMB, không ít trường hợp phản ứng gay gắt, bất hợp tác bằng cách gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi khiến công tác GPMB kéo dài.

Công tác GPMB, di dời các hộ dân khỏi di tích, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích không phải việc có thể làm một sớm một chiều mà đòi hỏi một công cuộc trường kỳ với rất nhiều việc cần phải giải quyết. Tuy nhiên, để không còn tái diễn những phát sinh phức tạp, rất cần có những biện pháp quản lý thống nhất nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm, chia tách hộ, mua bán chuyển nhượng nhà đất thuộc khuôn viên di tích, từng bước đưa di tích trở về đúng giá trị tôn nghiêm vốn có.

(*) tiếp theo và hết

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Di dời các hộ dân khỏi di tích trên địa bàn Hà Nội: Còn lắm gian nan (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.