Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đi dạy”

Đinh Thùy| 24/03/2013 06:53

(HNM) - Với những hoạt động đều đặn hằng tuần nhằm hỗ trợ các em khiếm thị học tập, vui chơi, nhóm tình nguyện "Đi dạy", Trường Đại học kinh tế quốc dân (ĐH KTQD), đã giúp các em nhỏ kém may mắn thêm niềm tin yêu cuộc sống, vượt qua mặc cảm khiếm khuyết để hòa nhập cộng đồng.

Nhóm "Đi dạy" trực thuộc Đội sinh viên tình nguyện Trường ĐH KTQD, chính thức thành lập vào năm 2003. Cái tên "Đi dạy" được hình thành bởi vào các buổi tối thứ hai, thứ năm và thứ sáu hằng tuần, khoảng 25 thành viên của nhóm sẽ di chuyển tới Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu để giảng bài, giúp đỡ các em nhỏ khiếm thị nơi đây học tập. Lúc đầu thành viên còn khá ít ỏi nhưng sau một chặng đường hoạt động hiệu quả, số lượng thành viên đã và đang tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, nhóm có khoảng hơn 80 thành viên.

Trưởng nhóm Trần Thị Ngọc Mai (sinh viên năm thứ ba, khoa Kinh tế kế hoạch K52A) chia sẻ: "Tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, hầu hết các em đều không nhìn thấy gì, chỉ có một số em có khả năng nhìn thấy mờ mờ. Hằng ngày, các em cùng đi bộ đến trường, em mắt mờ dẫn đường cho các bạn khác. Khiếm khuyết làm cho các em gặp rất nhiều khó khăn trong thu nhận kiến thức. Hoạt động của "Đi dạy" chính là bổ trợ kiến thức cho các em".

Các thành viên trong nhóm thường dạy các môn học cơ bản như toán, tiếng Anh, lịch sử…; đọc các bài tập trong sách để các em viết lên chữ nổi…. Thông thường, mỗi thành viên kèm cặp một hoặc hai em một buổi. Ngoài lên lớp, nhóm còn tổ chức các buổi ngoại khóa thú vị như "Con đường chinh phục" và "Khám phá mới" giúp các em nhỏ có cơ hội vừa vui chơi vừa tìm hiểu kỹ hơn về những địa danh, di tích lịch sử nổi tiếng của Hà Nội - những điều mà trước đó các em chỉ nghe qua truyền hình hay đài phát thanh. Trước mỗi dịp tết đến xuân về, "Đi dạy" còn tổ chức chương trình "Xuân yêu thương" gửi lời chào, lời chúc cuối năm và tạm chia tay các em vào dịp tết.

Nói về những kỷ niệm trong hành trình đi dạy của mình, Ngọc Mai xúc động: "Vì khiếm thị nên khi đến các di tích, các em không thể tận mắt nhìn được. Các em phải cảm nhận nó bằng việc chạm tay, sờ vào các hiện vật. Mỗi lần như thế, câu hỏi chúng mình hay nhận được là: "Anh/chị ơi, đây là cái gì?" Các em hỏi rất vô tư, còn chúng mình thì thấy thương các em quá. Những lúc ấy, chỉ muốn làm thật nhiều điều tốt đẹp để bù đắp cho các em".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đi dạy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.