(HNMCT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng coi văn hóa là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tư tưởng của Người về nền văn hóa mới, con người mới trong Di chúc tiếp tục soi sáng con đường cách mạng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lại Quốc Khánh - Ủy viên Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
- Thưa PGS.TS Lại Quốc Khánh, 50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa thời đại và hàm chứa những giá trị văn hóa sâu sắc. Đặc biệt, bản Di chúc còn thể hiện đậm nét văn hóa Hồ Chí Minh cùng tư tưởng vĩ đại của Người về văn hóa. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này?
- Di chúc là văn kiện lịch sử đặc biệt quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết trong nhiều năm để xây dựng và hoàn thiện, kết tinh trong đó những tư tưởng, tình cảm lớn lao của Người, những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh đặc sắc nhất. Cụ thể, Người đã nêu lên một hệ thống giá trị văn hóa định hướng nhận thức và hành vi của mọi chủ thể, ở mọi cấp độ, từ cá nhân, đến đoàn thể và đến cộng đồng dân tộc, nhân loại. Người chỉ rõ văn hóa phải thể hiện trong mọi quan hệ từ quan hệ giữa những người đồng chí trong một tổ chức, đến quan hệ giữa Đảng cầm quyền với các tầng lớp nhân dân trong xã hội, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cách mạng anh em, và đến cả quan hệ giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.
Người nhấn mạnh mọi hoạt động đều phải thấm đẫm những giá trị văn hóa, dù đó là hoạt động chính trị hay hoạt động kinh tế, hoạt động giáo dục hay hoạt động thực thi pháp luật, hoạt động tu dưỡng, rèn luyện hay hoạt động sản xuất, chiến đấu. Người không chỉ nêu lên những giá trị văn hóa, mà còn chỉ rõ phương thức kiến tạo những giá trị đó - và đó cũng là những phương thức mang tính văn hóa sâu sắc... Ngay từ năm 1943, Hồ Chí Minh đã khẳng định, văn hóa là toàn bộ những gì loài người sáng tạo và phát minh ra “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống”, và theo tinh thần đó thì Di chúc của Người chính là một bản cương lĩnh cách mạng cho việc kiến tạo một nền văn hóa mới do và vì sự tồn tại và phát triển của con người.
- Vậy, cụ thể quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa được thể hiện qua bản Di chúc như thế nào, thưa ông?
- Trong Di chúc, điều đầu tiên, Người đặc biệt chú trọng văn hóa Đảng, nói đầy đủ hơn là văn hóa chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Người nhấn mạnh thực chất của cầm quyền là phục vụ nhân dân, là toàn thể tổ chức Đảng cũng như mỗi đảng viên đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng cầm quyền là rất to lớn, muốn thế, cần phải không ngừng chỉnh đốn lại Đảng, phải làm cho những giá trị văn hóa chính trị như đoàn kết, thống nhất, dân chủ, phục vụ,... những giá trị đạo đức cách mạng như trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,... là những giá trị thực chất, dẫn dắt mọi hoạt động của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên.
Người cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề xây dựng những con người mới, hiện thân cho những giá trị văn hóa mới trong chế độ xã hội mới. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh không bỏ sót một ai, từ thương binh, liệt sĩ đến cha mẹ, vợ con của họ; từ thanh niên, phụ nữ, nông dân, đến những nạn nhân của chế độ xã hội cũ... Tùy từng đối tượng cụ thể, Người chỉ ra những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà chế độ xã hội mới cần quan tâm, mang lại cho họ. Không chỉ như vậy, Người còn chỉ rõ những phẩm chất mới của con người mới mà họ cần được giáo dục, bồi dưỡng cho xứng đáng là chủ nhân của chế độ xã hội mới. Có thể thấy, trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã đề cập một cách thực chất đến vấn đề giải phóng và phát triển con người một cách rất toàn diện, cả trên phương diện kiến tạo những điều kiện bên ngoài, đến những phẩm chất bên trong con người.
Bên cạnh đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến việc xây dựng xã hội mới một cách toàn diện, từ việc xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh; đến việc khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục; củng cố quốc phòng; thống nhất đất nước... Xây dựng xã hội mới phát triển, phồn vinh làm môi trường, điều kiện cho sự phát triển toàn diện con người, đó cũng là một nội dung cốt lõi trong văn hóa Hồ Chí Minh.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là, trong suốt cuộc đời cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt nhân dân, đặt con người vào vị trí chủ thể của lịch sử. Quan điểm coi nhân dân là chủ thể của toàn bộ sự nghiệp cách mạng nhằm kiến tạo nên những giá trị văn hóa tốt đẹp, hay nói cách khác, coi văn hóa là sự nghiệp của con người, do con người và vì con người, là quan điểm đặc sắc của Hồ Chí Minh về văn hóa, và quan điểm đó được thể hiện đậm nét trong Di chúc của Người.
- Thưa ông, 50 năm qua, Đảng ta đã vận dụng Di chúc của Bác như thế nào trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới hiện nay?
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu quan trọng tại Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2019) đã chỉ rõ: “50 năm qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh; mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng”. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Cụ thể, về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Trước hết, Đảng ta đã chú trọng xác định hệ giá trị định hướng sự phát triển đất nước: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là những giá trị chính trị, nhưng xét đến tận cùng, cũng là những giá trị văn hóa. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh luôn chú trọng xác định các giá trị định hướng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đó là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”... Trong thời kỳ cách mạng mới, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xác định đúng hệ giá trị văn hóa chính trị mới. Đó là một thành tựu vô cùng quan trọng.
Thứ hai, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng Đảng thực sự “là đạo đức là văn minh”, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá của dân tộc. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho tổ chức Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là hạt nhân của những giá trị văn hóa, của mẫu hình con người mới, từ đó mở rộng, lan tỏa ra toàn xã hội, đó chính là một phương thức xây dựng nền văn hóa mới, con người mới rất độc đáo, đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, Đảng ta đã chú trọng xây dựng và phát huy thể chế dân chủ và pháp quyền. Dân chủ và pháp quyền chính là thể chế văn minh, hiện đại, để có thể tập hợp và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và chính trong việc tham gia sự nghiệp đó, người dân được giải phóng và phát triển toàn diện. Thứ tư, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò của một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và thế giới, góp phần tích cực xây dựng quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, góp phần thực hiện các mục tiêu chung của nhân loại.
- Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới vẫn còn đó những thách thức, theo ông Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới cần phải chú trọng những việc gì để xây dựng và phát triển văn hóa như mong muốn của Người?
- Càng suy ngẫm về những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, chúng ta càng thấm thía một điều giản dị nhất mà cũng thật sâu sắc, đó là phải luôn đặt con người vào trung tâm của mọi suy nghĩ và hành động. Bên cạnh đó, chúng ta phải hành động thiết thực hơn để hoàn thành nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng và chỉnh đốn đối với Đảng cầm quyền là làm cho Đảng “phải xứng đáng là người lãnh đạo, đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, phải làm cho đảng viên “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; nghiêm túc vận dụng những lời răn dạy trong Di chúc của Người; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thật sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân.
Đó chính là điểm căn cốt nhất của văn hóa Hồ Chí Minh mà Đảng và Nhà nước ta cần lan tỏa nhân rộng để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.