Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa thông báo tuyển sinh sau ĐH năm 2007 cho 32 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 38 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
Thí sinh dự thi sau ĐH vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) ngày 7-5-2005
Ở tất cả các chuyên ngành đào tạo cao học và nghiên cứu sinh, đối với thí sinh thi cao học sẽ thi ba môn: Toán cao cấp; Ngoại ngữ tương đương trình độ B (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung); Cơ sở. Riêng thí sinh thi nghiên cứu sinh liên hệ trực tiếp với Phòng Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) để biết thêm chi tiết.
Ngoài ra, những thí sinh tốt nghiệp ĐH ở một ngành khác với ngành định học cao học và những thí sinh có bằng ĐH tại chức, thường xuyên, mở rộng, từ xa... phải bổ túc kiến thức chuyển đổi ngành hoặc bổ túc kiến thức để có trình độ tương đương chính quy và thí sinh phải bổ túc kiến thức trước khi tham dự thi tuyển.
Những trường hợp này tạm gọi là bổ túc kiến thức chuyển đổi ngành (khi khác ngành) và bổ túc kiến thức tương đương (đối với tại chức, thường xuyên, mở rộng, từ xa...).
Đào tạo thạc sĩ
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ đào tạo thạc sĩ theo hai phương thức: Giảng dạy môn học (là phương thức đào tạo giảng dạy các môn học nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp… cho người học) và Nghiên cứu (là phương thức đào tạo dành cho các học viên có khả năng nghiên cứu độc lập); cả hai chương trình đều đào tạo với 62 tín chỉ và đào tạo chính thức trong hai năm.
Riêng đào tạo theo phương thức nghiên cứu, học viên khi tham gia chương trình đào tạo phải đăng ký và bảo vệ đề cương Luận văn thạc sĩ vào tuần 15 của học kỳ 1 hoặc chậm nhất vào tuần 15 của học kỳ 2 của khóa đào tạo; học viên phải cam đoan 30% thời gian thực hiện Luận văn thạc sĩ và làm việc tại bộ môn đào tạo, phòng thí nghiệm của trường.
Theo đó, 32 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ thuộc các lĩnh vực: Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý (Kinh doanh và quản lý); Khoa học máy tính (Khoa học máy tính); Vật lý kỹ thuật, Toán ứng dụng, Cơ học ứng dụng (Khoa học ứng dụng); Kỹ thuật địa chất (Địa chất khoáng sản - thăm dò, Địa chất môi trường, Địa kỹ thuật), Kỹ thuật dầu khí (Kỹ thuật khoan - khai thác và công nghệ dầu khí, Địa chất dầu khí ứng dụng) (Kỹ thuật Địa chất - Dầu khí);
Công nghệ vât liệu vô cơ, Công nghệ vật liệu kim loại, Công nghệ vật liệu cao phân tử và tổ hợp (Công nghệ vật liệu); Công nghệ môi trường, Quản lý môi trường (Môi trường và bảo vệ môi trường); Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Công nghệ nhiệt, Kỹ thuật ôtô - máy kéo (Kỹ thuật cơ khí);
Thiết bị mạng và nhà máy điện, Kỹ thuật điện tử, Tự động hóa (Kỹ thuật điện; Điện tử - viễn thông; Tự động hóa và điều khiển); Công nghệ hóa học, Quá trình và thiết bị công nghệ hóa học, Công nghệ thực phẩm và đồ uống (Công nghệ hóa học; chế biến thực phẩm); Công nghệ sinh học (Khoa học sự sống);
Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, Địa kỹ thuật xây dựng, Vật liệu và công nghệ vật liệu xây dựng, Công nghệ và quản lý xây dựng, Xây dựng cầu - hầm, Xây dựng đường ôtô và đường thành phố, Xây dựng công trình thủy - Công trình biển, Kỹ thuật trắc địa - Bản đồ viễn thám và GIS (Xây dựng).
Đào tạo tiến sĩ
Điều kiện dự thi đào tạo tiến sĩ: thí sinh có ba năm làm việc trong lĩnh vực chuyên ngành dự thi; có công trình công bố kết quả nghiên cứu liên quan; có hai thư giới thiệu tiến cử của hai người có học vị tiến sĩ cùng chuyên ngành và có ít nhất sáu tháng công tác với người dự tuyển; có cam kết làm việc tại trường tối thiểu 30% thời gian làm việc trong thời hạn học tập nghiên cứu sinh.
Điều kiện đối với cán bộ hướng dẫn: có công trình khoa học công bố liên quan đến đề tài hướng dẫn nghiên cứu sinh hoặc đang chủ nhiệm đề tài KHCN cấp Bộ (hoặc tương đương) trở lên và có kinh phí (đã được duyệt) dành cho việc đào tạo nghiên cứu sinh (ít nhất cho hai năm đào tạo).
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đào tạo tiến sĩ ở 38 chuyên ngành gồm: Quản trị kinh doanh; Vật lý kỹ thuật; Địa chất đệ tứ; Địa kiến tạo; Bản đồ; Chế biến thực phẩm và đồ uống; Công nghệ chế tạo máy; Công nghệ dệt may; Công nghệ hóa dầu và lọc dầu; Công nghệ hóa học các chất hữu cơ; Công nghệ hóa học các chất vô cơ; Công nghệ tạo hình vật liệu; Công nghệ và thiết bị lạnh;
Công nghệ và thiết bị nhiệt; Công nghệ và thiết bị năng lượng mới; Công nghệ vật liệu cao phân tử và tổ hợp; Công nghệ điện hóa và bảo vệ kim loại; Khoa học máy tính; Kỹ thuật máy công cụ; Kỹ thuật máy nâng, máy vận chuyển liên tục; Kỹ thuật ôtô, máy kéo; Kỹ thuật điện tử; Mạng và hệ thống điện; Nhà máy điện; Quy hoạch và quản lý tài nguyên nước;
Thiết bị điện; Trắc địa cao cấp; Trắc địa ảnh và viễn thám; Tự động hóa; Xây dựng công trình biển; Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; Xây dựng công trình thủy; Xây dựng cầu, hầm; Xây dựng đường ôtô và đường thành phố; Địa chất công trình; Địa kỹ thuật xây dựng; Cấp thoát nước; Địa hóa học.
Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có tổ chức ôn tập thi tuyển cho thí sinh các môn: môn Toán (60 tiết - khai giảng ngày 5-1-2007); môn Anh văn (60 tiết - khai giảng ngày 6-1-2007); môn Cơ sở (20-30 tiết - khai giảng ngày 5-3-2007). Thí sinh có nhu cầu, ghi danh ôn tập từ 1-12-2006 đến 30-12-2006.
Thông tin chi tiết về chương trình đào tạo, phát và nhận hồ sơ, thí sinh liên hệ với Phòng Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), dãy nhà B3 - 268 Lý Thường Kiệt, quận 10, TP.HCM; ĐT: (08) 8637318; Email: sdh@hcmut.edu.vn.
Theo TTO
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.