Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dệt may VN: Đang “bám sâu” vào thị trường nội địa

L.H| 03/01/2012 15:13

(HNMO) - Một xu hướng đáng mừng đối với hàng nội địa nói chung và dệt may nói riêng là người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam.

Có nhiều lý do khiến người tiêu dùng quay trở lại với các sản phẩm tiêu dùng trong nước, trong đó những đặc điểm như giá cả hợp lý, tính đa dạng, dịch vụ khuyến mại và bảo hành tốt, và quan trọng nhất là tốt cho sức khỏe hơn so với hàng Trung Quốc.

Dệt may VN tiên phong trong Cuộc vận động “Người VN dùng hàng VN”

Tin từ Tập đoàn dệt may VN cho biết, song hành với chiến lược phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người VN dùng hàng VN”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tổ chức các Hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm dệt may VN đến với người tiêu dùng, tham gia chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Dệt may vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc”.

Theo đó, các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đã tham gia hàng trăm đợt “Đưa hàng Việt về nông thôn” do ngành công thương tại các địa phương tổ chức. Đặc biệt, thực hiện lộ trình phát triển mạng lưới phân phối và cũng để góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí cho hoạt động đưa hàng dệt may Việt Nam về nông thôn, Tập đoàn lấy nòng cốt là Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam (Vinatex Mart) thực hiện việc mở rộng hệ thống phân phối đến con số 60 siêu thị và điểm bán hàng tại 24 tỉnh thành trong cả nước – đồng thời tổ chức hơn 60 đợt bán hàng tới các khu công nghiệp và đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tại các địa phương: Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, Thái Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Thái Nguyên.



Tuy chi phí thực hiện đưa hàng về nông thôn là lớn (doanh nghiệp chưa có lãi) nhưng hoạt động này đã đạt được mục tiêu đáp ứng một phần nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn; giúp người dân được tiếp cận nguồn hàng có giá cả phải chăng, chất liệu và chất lượng ổn định, bổ sung thông tin kiến thức về chọn lựa hàng hóa và quan trọng nhất là giới thiệu sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới đông đảo bà con.

Bên cạnh đó, việc ngành dệt may thường niên tổ chức Hội chợ thời trang tại TP HCM và Hà Nội với chủ trương khuyến khích tối đa đối với sản phẩm dệt may sản xuất trong nước, đã thực sự trở thành “Cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng” và nhận được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân đến tham quan và mua sắm. Bản thân các doanh nghiệp rất phấn khởi khi tham dự hội chợ này vì đây là cơ hội quảng bá và bán sản phẩm với doanh thu đạt được tại mỗi kỳ hội chợ luôn ở mức cao: Các đơn vị lớn có doanh thu trung bình trên 500 triệu đồng, các đơn vị nhỏ hơn đạt trung bình 300 triệu đồng trong một kỳ hội chợ

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng thường niên tổ chức các Tuần lễ thời trang xuân hè, thu đông, hội tụ các doanh nghiệp trong, ngoài Tập đoàn đưa tới người tiêu dùng những sản phẩm thời trang có thiết kế mới, có tính ứng dụng cao, chất lượng tốt, giá hợp lý góp phần ủng hộ chương trình “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”.

Mặt khác, ngoài việc quảng bá sản phẩm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thời trang VN, Tập đoàn Dệt May cũng thực hiện đồng thời việc phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn nhằm sử dụng sản phẩm trong nước sản xuất được có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa trong từng đơn vị sản phẩm.

Theo đó, có thể kể đến sự hợp tác của Tập đoàn cùng Tập đoàn Dầu khí trong dự án Nhà máy Xơ-Sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng), bắt đầu được đưa vào khai thác từ cuối 2011 – dự kiến sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xơ sợi của cả nước, góp phần giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; Sử dụng than được cung cấp bởi Tập đoàn Than – Khoáng sản cho các lò đốt trong dây chuyền nhuộm – hoàn tất; Các doanh nghiệp may đã nhận được một số đơn hàng đồng phục của Tập đoàn điện lực, Vinashin… Ngoài ra, do lượng bông tự sản xuất được trong nước còn ở mức rất thấp, Tập đoàn Dệt May đang nghiên cứu hợp tác với Tập đoàn Cao su trong việc trồng xen canh cây bông với cây cao su...

Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn…

Đánh giá chung của Tập đoàn dệt may cho thấy, tuy năm 2011 chứng kiến xu thế thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 12%. Chứng tỏ hàng dệt may VN đã có chỗ đứng ngày càng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Doanh nghiệp VN có ưu thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài do nắm được tâm lý, thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng VN. Tuy nhiên, do sự thiếu hụt của nguồn nguyên liệu chất lượng tốt sản xuất trong nước - ngoài việc hạn chế tính linh hoạt, đáp ứng nhanh của doanh nghiệp dệt may trong nỗ lực sản xuất sản phẩm thời trang phục vụ thị trường nội địa, còn đẩy doanh nghiệp vào thế phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu sẽ đẩy giá thành sản phẩm Việt cao hơn sản phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan… làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa.

Năm 2011, lãi suất vay vốn quá cao, là cản trở lớn cho phát triển thị trường nội địa. Vì làm nội địa cần vốn lớn từ nguyên liệu, sản xuất, đến hệ thống phân phối. Trong khi sản xuất xuất khẩu gia công không chịu áp lực này, dẫn tới nhiều doanh nghiệp không sản xuất được nhiều hàng nội địa như kế hoạch đặt ra.

Doanh nghiệp khi tham gia đưa hàng về nông thôn bị phát sinh rất nhiều khoản chi phí: chi phí đầu tư xe, chi phí nhân sự, chi phí bán hàng, chi phí khuyến mãi …

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng lâu nay bị ảnh hưởng mạnh bởi sự tiếp cận sâu rộng (70% dân số VN) với mức giá thấp của hàng ngoại nhập đặc biệt hàng giả, hàng nhập lậu, hàng giá rẻ, hàng không nhãn mác - thông qua mạng lưới những người buôn sỉ và các cửa hàng nhỏ lẻ - gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc.

Trong năm 2012, Tập đoàn dệt may VN dự kiến, tăng cường công tác truyền thông về việc dùng hàng Việt Nam đến người tiêu dùng nội địa bằng sản phẩm thực tiễn không mang tính chất hình thức; Mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong việc bảo vệ người tiêu dùng trước hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng độc hại…; Đẩy mạnh các hoạt động hội chợ thời trang taị Hà Nội và TP HCM; Tiếp tục triển khai và tham gia các hoạt động: Đưa hàng về nông thôn, biên giới và hải đảo thông qua hệ thống siêu thị Vinatex Mart.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ có những giải pháp giúp cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam thâm nhập và xây dựng được vị trí trên thị trường nội địa như: Hỗ trợ đào tạo nhân lực thiết kế, tiếp thị, kỹ năng bán hàng; Ban hành chi tiết chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp phụ trợ trong đó có công nghiệp dệt may để đầu tư phát triển đúng hướng; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và mạng lưới phân phối; Có cơ chế cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng miễn phí 2-3 năm các khu vực chợ đầu mối đã được nhà nước đầu tư tại các địa phương nhưng chưa khai thác hết…; Hỗ trợ công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng; Hỗ trợ kinh phí đưa hàng về nông thôn cho các doanh nghiệp như: chi phí vận chuyển, chi phí quảng bá…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dệt may VN: Đang “bám sâu” vào thị trường nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.