(HNM) - Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội tốt cho ngành thương mại Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may.
Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận thuế suất bằng 0% đối với các thị trường lớn, đòi hỏi ngành DM Việt Nam phải khắc phục tình trạng phát triển chưa đồng bộ giữa các khâu dệt - sợi - nhuộm - hoàn tất và may… Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương và tác động đến doanh nghiệp (DN) DM Việt Nam" do Hiệp hội DM Việt Nam (Vitas) phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 25-9.
Ngành dệt may sẽ có không ít lợi thế khi Việt Nam gia nhập TPP. Ảnh: Đàm Duy |
Còn đó những thách thức
Ngành DM Việt Nam sau hơn 20 năm liên tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15%/năm, vươn lên trở thành ngành kinh tế lớn của cả nước và là nước xuất khẩu (XK) DM lớn thứ 5 trên thế giới. Cả nước hiện có hơn 6.000 DN DM, với doanh thu toàn ngành đạt 20 tỷ USD (năm 2012), trong đó XK chiếm 17 tỷ USD, tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động, đóng góp khoảng 10% vào GDP của cả nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiệp định TPP có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong thương mại DM toàn cầu và Việt Nam đang kỳ vọng lớn ở thị trường rộng lớn này, nhất là thị trường Mỹ. Hiện thuế suất trung bình của hàng DM Việt Nam vào Mỹ là 17,5%, EU là 9,6%. Việc Trung Quốc chưa tham gia đàm phán TPP với Mỹ và EU chưa đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc được xem là cơ hội lớn giúp Việt Nam tăng XK vào Mỹ, các nước trong khối TPP và EU khi các Hiệp định TPP và FTA được ký kết.
Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Vitas nhận định, TPP sẽ tạo ra cú hích lớn và là động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành DM Việt Nam. Tuy nhiên, để hưởng thuế suất 0%, phải chấp nhận áp dụng nhiều quy định khắt khe như các khâu từ kéo sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất và may phải được làm tại các nước thành viên TPP. Điều này gây trở ngại không nhỏ cho ngành, vì khâu dệt - nhuộm - hoàn tất đang là "nút cổ chai" cản trở bước tiến của ngành. Trong khi đầu tư vào dệt, nhuộm đòi hỏi vốn đầu tư lớn từ 20 đến 30 triệu USD, đội ngũ công nhân phải lành nghề thì đầu tư một xưởng may chỉ cần khoảng 1-2 tỷ VND. Vì vậy, thu hút đầu tư vào may vẫn nhiều hơn. Theo Vitas, trong số hơn 6.000 DN DM, số DN DM chiếm đến 70%; DN dệt 17%; kéo sợi 6%; nhuộm 4%; phụ trợ 3%. Ngoài ra, 70% hàng XK của Việt Nam được thực hiện theo phương thức cắt - ráp - hoàn thiện; 88% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, mà phần lớn các nước này không nằm trong TPP. Trang thiết bị, công nghệ không theo kịp các nước khác, gia công giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh đang bị các quốc gia mới nổi trong ngành DM lấn sân… Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn đối với DN "nội" là tiêu chuẩn về lao động và môi trường của TPP khá cao, nhất là trong khâu dệt-nhuộm. Nếu vi phạm những tiêu chuẩn này có thể bị truy thu thuế ngược lại đối với những lô hàng đã được miễn thuế hoặc bị khởi kiện và không được tiếp tục xuất sang các nước thành viên TPP nữa.
Kiểm tra sản phẩm tại Tổng Công ty May 10 (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hải |
Tăng cường liên kết chuỗi
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, các bên tham gia đàm phán đã đưa ra sáng kiến áp dụng giải pháp "nguồn cung thiếu hụt" trong thời hạn nhất định (khoảng 3 năm). Cách thức này cho phép các nước trong TPP được tiếp tục mua nguyên liệu từ bên ngoài TPP để sản xuất hàng may mặc, xuất vào khối các nước TPP với mức thuế 0%. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký Vitas, giải pháp để phát triển ổn định khi Việt Nam tham gia TPP là phải liên kết chuỗi để chủ động nguồn lực, thiết bị công nghệ và thị trường; đầu tư vào khâu dệt - nhuộm - hoàn tất. Gia tăng giá trị bằng cách giảm dần gia công, tiếp tục mở rộng thị trường và phát triển ngành công nghệ may thời trang...
Ngoài ra, để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành DM thế giới, nhiều đại biểu cho rằng, trước mắt cần tập trung đẩy mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để sản xuất nguyên liệu trong nước, thay thế nguyên liệu nhập khẩu, củng cố và nâng cấp ngành thiết kế. Các DN cần khẩn trương chuyển đổi phương pháp gia công truyền thống sang phương thức FOB (mua đứt - bán đoạn), góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất.
Chia sẻ tại hội thảo, các DN và chuyên gia bày tỏ kỳ vọng vào việc nếu TPP được ký vào cuối năm nay, các quy định có thể được áp dụng về chứng minh xuất xứ của vải và sợi đối với sản phẩm may mặc sẽ kích thích các DN đầu tư vào nhóm hàng này, liên kết với nhau và hình thành chuỗi sản xuất, phục vụ việc xác minh xuất xứ sản phẩm gốc tại Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi về thuế… Các ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, trong sân chơi hội nhập, các DN DM cần phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tính liên kết của mình và Hiệp hội DM cần phải thực sự là cơ quan tham vấn đắc lực, hiệu quả cho DN và Chính phủ.
Hiệp định TPP là thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký vào ngày 3-6-2005 và có hiệu lực ngày 28-5-2006. Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia đàm phán hiệp định này. Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1-1-2006, đến năm 2015 sẽ cắt giảm thuế xuống 0%. Đến nay, TPP là Hiệp định tự do thương mại đa phương có phạm vi rộng nhất, bao trùm các nội dung truyền thống như thuế quan, dịch vụ tài chính, đầu tư cho tới các vấn đề về môi trường, lao động, chống tham nhũng… Sau 16 vòng đàm phán, các thành viên hy vọng sẽ hoàn tất thương lượng trong năm 2013. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.