(HNMO) - Từ đầu mùa lễ hội 2018 đến nay, Bộ VH,TT&DL đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Bộ VH,TT&DL cương quyết xử lý những lễ hội chọi trâu phản cảm (ảnh minh họa). |
Nỗ lực từ những văn bản
Ngày từ đầu mùa lễ hội 2018, Bộ VH,TT&DL đã có Công văn số 87/VHCS-QLHĐLH ngày 13-2 gửi Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ yêu cầu tăng cường giám sát công tác quản lý và tổ chức đối với các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với hội chọi trâu xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh), ban tổ chức (BTC) cần tiến hành rà soát, kiểm tra hồ sơ về nguồn gốc, quy trình tổ chức hội chọi trâu, đảm bảo thực hành đúng nghi lễ truyền thống, quy mô tổ chức; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và lợi ích cá nhân.
Đặc biệt, BTC lễ hội phải có phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia hội; có hàng rào kiên cố ở khu vực chọi trâu và các phương tiện chuyên dụng để phòng ngừa, xử lý những tình huống phát sinh trong tổ chức lễ hội.
Tiếp sau công văn này, ngày 20-2, Bộ VH,TT&DL có công văn hỏa tốc gửi Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ yêu cầu siết chặt công tác tổ chức đối với hội chọi trâu xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh). Tại công văn hỏa tốc, Bộ VH,TT&DL tiếp tục đề nghị Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ tiến hành kiểm tra, rà soát công tác tổ chức hội chọi trâu xã Phù Ninh đảm bảo đúng theo hồ sơ đã được phục dựng và cấp phép, bao gồm các nội dung nghi lễ truyền thống, quy mô tổ chức, số lượng trâu chọi. Các hoạt động của hội chọi trâu phải do BTC trực tiếp chỉ đạo, tổ chức. Công văn cũng nêu rõ: “Không giao cho các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức chọi trâu”.
Đặc biệt, tại công văn này, Bộ VH,TT&DL yêu cầu BTC hội không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội. Trong trường hợp có hiện tượng nêu trên phải kịp thời xử lý theo quy định tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH,TT&DL và quảng cáo. Trường hợp công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội không thực hiện đúng theo những nội dung nêu trên, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH,TT&DL) đề nghị Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ yêu cầu tạm dừng việc tổ chức hội chọi trâu xã Phù Ninh theo thẩm quyền.
Theo đánh giá của Bộ VH,TT&DL, những lễ hội chọi trâu 2018 tuy không xảy ra sự cố đáng tiếc nhưng công tác tổ chức chưa tốt, thiếu biện pháp bảo vệ an toàn cho người xem (ảnh: Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, tỉnh Vĩnh Phúc). |
Chỉ riêng lễ hội chọi trâu tại Phú Thọ mà Bộ VH,TT&DL đã liên tục ra nhiều văn bản cấp tốc để nhắc nhở, chấn chỉnh, cho thấy cơ quan quản lý Nhà nước đã nhìn nhận rõ những phức tạp mà lễ hội này có thể xảy ra.
Không chỉ riêng lễ hội chọi trâu Phù Ninh, trước đó, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn khi để xảy ra sự cố trâu húc chết chủ cũng đã dấy lên nhiều băn khoăn, lo ngại cho lễ hội truyền thống lâu đời vốn được xem là “đặc sản” của Đồ Sơn, Hải Phòng. Bộ VH,TT&DL đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu địa phương cần phải có đề án tổ chức rõ ràng, bảo đảm an toàn, an ninh cho người xem và người tham gia. Đã từng có nhiều cuộc bàn luận sôi nổi của cả những nhà quản lý và nhà văn hoá, cũng như lấy ý kiến của người dân Hải Phòng về việc có nên hay không tiếp tục duy trì lễ hội chọi trâu này.
Cương quyết “dẹp loạn”
Hiện nay, khu vực phía Bắc nước ta có 3 lễ hội chọi trâu lớn đang được cấp phép tổ chức: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc), lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ). Đây là những lễ hội chọi trâu được xem là lâu đời, gắn với nhiều tập tục truyền thống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, những năm qua cũng phát sinh nhiều lễ hội chọi trâu không phải là truyền thống, như lễ hội chọi trâu ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Phú Sơn (Bắc Ninh), Bảo Thắng (Lào Cai)… Ngoài ra, nhiều lễ hội hiến sinh mang tính bạo lực khiến dư luận bất bình như tại Yên Bái có lễ hội Đông Cuông treo cổ trâu, Phú Thọ có lễ hội cầu trâu… Tất cả những lễ hội phát sinh sau này vì nặng về tính thương mại và bạo lực nên đều bị Bộ VH,TT&DL cấm tổ chức.
Trong buổi sơ kết lễ hội diễn ra vào tháng 2-2018, hoạt động lễ hội chọi trâu ở các địa phương vẫn là một trong những vấn đề “nóng” nhất được xới lên. Trong khi quan điểm của Bộ VH,TT&DL là sẽ hạn chế, không tổ chức những lễ hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống thì nhiều địa phương lại bày tỏ rằng việc giải thích cho người dân về lễ hội chọi trâu là phản cảm vẫn chưa rõ ràng nên người dân chưa hiểu hết, vì thế công tác “dẹp loạn” các lễ hội chọi trâu vẫn gặp nhiều khó khăn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định, chủ trương của Bộ là phải rà soát các lễ hội, những lễ hội nào có yếu tố phản cảm, kích động bạo lực, nhất định không cấp phép tổ chức. Theo bà Trịnh Thị Thủy, sở dĩ các lễ hội chọi trâu tại nhiều địa phương ngày càng trở nên phản cảm vì sau các sới chọi là việc bày bán, giết mổ trâu ngay tại lễ hội, có nơi còn biến trụ sở chính quyền địa phương, trường học làm nơi bán thịt. Nhiều địa phương nhân việc tổ chức chọi trâu còn bán vé kinh doanh, xuất hiện hình thức cờ bạc, cá cược trá hình, gây bất ổn trên địa bàn.
Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, trong mùa lễ hội 2018 vừa qua, mặc dù chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nhưng các lễ hội chọi trâu vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Bởi ở các lễ hội này, chưa có đường riêng cho trâu vào sân chọi; hàng rào được dựng còn thô sơ; công tác vệ sinh không đảm bảo, rác thải tràn ngập khắp nơi… Những diễn biến phức tạp của lễ hội chọi trâu khiến Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thu Hương khảng khái cho biết, Bộ sẽ tạm dừng 3 lễ hội chọi trâu nếu không thay đổi cách thức tổ chức, đó là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Phù Ninh (Phú Thọ) và Hải Lựu (Vĩnh Phúc).
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Bộ yêu cầu Sở VH-TT Hải Phòng sớm trình Bộ đề án tổ chức lễ hội theo đúng tiến độ. Với lễ hội chọi trâu Phù Ninh và Hải Lựu, Thứ trưởng yêu cầu địa phương rà soát, kiểm tra lại các tư liệu làm rõ giá trị của hai lễ hội này. Nếu có giá trị văn hóa truyền thống thì sẽ có đề án tổ chức, nếu không, địa phương báo cáo Bộ để có phương thức quản lý phù hợp.
Lễ hội chọi trâu là những nghi lễ truyền thống lâu đời, tốt đẹp gắn liền với đời sống tâm linh của người dân. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh theo tục lệ hiến sinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Qua lễ hội, người dân nhằm tạ ơn thành hoàng làng đã che chở cho họ trước những khó khăn, vất vả; cầu cho một mùa cá mới bội thu... Tuy nhiên, trước công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương bộc lộ yếu kém, chưa có đề án tổ chức rõ ràng, chưa có các phương án bảo vệ hợp lý, có thể vào mùa lễ hội tới, số lượng lễ hội chọi trâu sẽ còn giảm xuống.
Để những lễ hội chọi trâu phát huy đúng tinh thần và giá trị văn hoá, không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý mà cần sự chung tay của địa phương trong việc tổ chức và tuyên truyền người dân hiểu hơn về ý nghĩa và giá trị lễ hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.