(HNMCT) - Quốc lộ 1A kéo dài từ Bắc vào Nam, đi qua nhiều vùng miền tươi đẹp của đất nước, nhưng có lẽ không nơi nào hùng vĩ, ấn tượng như đèo Hải Vân. Đây là một địa danh đặc biệt, không chỉ về cảnh sắc mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử.
Những dấu ấn lịch sử
Đèo Hải Vân (hay đèo Mây, vì quanh năm mây che phủ) là con đèo chạy trên dãy núi Bạch Mã, có độ dài 20km, cao trung bình 500m so với mực nước biển và là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với thành phố Đà Nẵng.
Theo sử sách, năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chăm Pa. Khi tới đèo Hải Vân, ấn tượng trước cảnh quan hùng vỹ, nhà vua đã cảm tác làm thơ và gọi nơi này là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Vào thời Nguyễn, con đường đèo cực kỳ hiểm trở, lại nhiều thú dữ và kẻ cướp nên rất ít người dám qua lại. Vì thế, việc giao thương giữa hai miền Nam - Bắc gặp nhiều trở ngại suốt một thời gian dài.
Từ năm 1902 đến 1906, thực dân Pháp xây dựng tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân, chạy quanh co theo sườn núi, qua 6 hầm chui và 18 cầu. Tuyến đường sắt đó ngày nay vẫn tồn tại, và đi tàu vượt đèo Hải Vân là một trải nghiệm khó quên với nhiều du khách khi được ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ của nơi này.
Năm 2005, hầm đường bộ xuyên núi Hải Vân được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á với chiều dài 6,28km. So với tuyến đường cũ, hầm đường bộ này đã rút ngắn hành trình gần 14km, giảm thời gian đi lại và tạo sự thuận lợi, an toàn hơn.
“Gạch nối” của Con đường di sản miền Trung
Nếu đi đường bộ, khi tới đỉnh đèo, du khách sẽ gặp một chiếc cổng rêu phong. Đó chính là Hải Vân Quan - điểm ranh giới giữa hai tỉnh, hai miền. Hải Vân Quan được xây từ thời Trần và có diện mạo như ngày nay nhờ được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7 - 1826). Hải Vân Quan nằm trên chính đường phân thủy của dãy núi Bạch Mã, cũng là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng ngày nay.
Hải Vân Quan được xây hình cổng cuốn vòm. Phía cửa hướng về Thừa Thiên Huế có tấm biển đá khắc chữ “Hải Vân Quan”, còn cửa hướng về Đà Nẵng có tấm biển khắc chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Hải Vân Quan thời Nguyễn là một quần thể gồm nhiều hạng mục, có chức năng như một cửa ải, pháo đài, và là tuyến phòng ngự quan trọng phía nam của Kinh đô Huế. Hình ảnh Hải Vân Quan cũng được khắc trên Dụ đỉnh trong bộ Cửu đỉnh đúc năm 1837, thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở thế kỷ XX, thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành chốt chiến lược quan trọng và xây dựng thêm nhiều hạng mục quân sự khác. Cùng với đó là nhiều trận đánh lớn khiến kiến trúc Hải Vân Quan bị biến dạng so với ban đầu. Sau chiến tranh, di tích này bị xuống cấp do không được quan tâm, bảo tồn đúng mức. Mãi tới năm 2017, Hải Vân Quan mới được xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Anh Lê Hoàng Vũ, một người dân ở Đà Nẵng cho biết: “Tôi và bạn bè thường chạy xe máy theo đường bộ cũ lên Hải Vân Quan ngắm cảnh. Chúng tôi cũng buồn khi thấy nơi đây bị xuống cấp. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp bảo tồn, trùng tu để di tích Hải Vân Quan có một diện mạo xứng tầm và trở thành điểm du lịch thu hút khách”.
Hiện tại, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực tiến hành công tác bảo tồn, trùng tu di tích Hải Vân Quan. Năm 2018, hai địa phương này đã phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện khai quật khảo cổ học và tìm thấy nhiều dấu tích kiến trúc, di vật quan trọng.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Hiện, hai Sở Văn hóa và Thể thao của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng cùng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang phối hợp triển khai dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Cùng với đó là lập quy hoạch tổng thể và bổ sung hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ để phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di sản, đưa nơi đây trở thành điểm nhấn du lịch và là “gạch nối” ý nghĩa giữa hai địa phương cùng Con đường di sản miền Trung”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.