Trong các gian trưng bày tham gia vào “Liên hoan du lịch Quốc tế tại Hà Nội” được tổ chức khá sôi nổi vừa qua, một trong những gian được khách tham quan chú ý là của du lịch Thái Lan. Tại đây, người Thái đã quảng cáo cho những thế mạnh của mình và một trong những vật trưng bày hiếm hoi được đem đến từ đất nước xinh đẹp này là chiếc mặt nạ được sử dụng trên sân khấu từ khá lâu.
Sân khấu Khon (Thái Lan)
Sử dụng mặt nạ trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không phải là hiếm, nhất là trên sân khấu các nước khu vực châu Á, nhưng hẳn không nhiều người biết đến một nền sân khấu mặt nạ có lịch sử phát triển rực rỡ của Thái Lan.
Sân khấu cổ truyền Thái được chia làm năm loại nhưng có hai hình thức chính: Loại Khon và Lakon trong đó đặc biệt đáng chú ý là sân khấu mặt nạ Khon. Một nhà nghiên cứu sân khấu nổi tiếng từ những năm đầu thế kỷ XIX đã viết một cách trang trọng: “Sân khấu Khon và Lakon được trình diễn tại địa điểm đẹp... trang phục và trang trí vì vậy phức tạp, kỹ lưỡng và thường được cố gắng làm một cách chính xác nhất. Trang phục thường làm theo lối phục sức truyền thống cổ điển và không được thay đổi vì nó đã được tìm cho mô hình đẹp, thích hợp nhất... Tùy loại tính cách như quỉ, khỉ hay người tu hành, họ đeo các loại mặt nạ với các màu sắc và kiểu cách khác nhau. Mỗi cái mặt nạ là một hình mẫu của nghệ thuật trang trí Thái với các nét tính cách, hình mẫu khác nhau bởi vậy mỗi tính cách có thể được nhận ra ngay qua loại mặt nạ mà người nghệ sĩ đeo”.
Cái mà chúng ta gọi là kịch mục thường không có ý nghĩa với sân khấu Khon vì hầu hết các vở đều lấy đề tài số phận Ramakian. Trên sân khấu chủ yếu các vai nam thường là vai Totsakan (Vua quỉ), Rama (Hoàng đế chính nghĩa, ngay thẳng), Hanuman (Vua khỉ). Diễn viên học nghề thường được chọn huấn luyện cho từng loại vai riêng tùy thuộc vào hình dáng, ngoại hình riêng. Các trình thức biểu diễn của thể loại Khon không tách rời diễn với nhảy múa. Các diễn viên tập luyện gian khổ cho đến khi hoàn hảo. Trong mọi thể loại, trang trí đầu diễn viên qui định cá tính vai diễn của họ, nhưng trong sân khấu Khon, mặt nạ đóng vai trò này.
Mặt nạ chưa có trong sân khấu Khon trước thời kỳ Ayuthaya (1350-1767). Thay cho mặt nạ, người ta vẽ trực tiếp lên mặt diễn viên. Mặt nạ ra đời với mong muốn có được sự vĩnh cửu trong mô tả cách tính, một trong những phương tiện chủ yếu, đặc điểm dễ nhận dạng nhất. Nếu như mỗi phần trang phục trong sân khấu Khon đều có ý nghĩa nhất định thì mặt nạ là một phần trang trí quan trọng nhất. Mỗi mặt nạ chắc chắn làm chậm những động tác của người diễn nhưng cơ bản nó cho thấy rõ nét cá tính nhân vật họ thủ vai.
Có hơn100 loại mặt nạ quỉ được sử dụng và được chia thành 14 nhóm để chống sự lộn xộn trong hình thức sân khấu này. Nhằm tránh sự nhầm lẫn, mắt và miệng cũng được làm khác cho mỗi loại vai và màu sắc cũng khác. Nếu màu sắc tương tự như nhau, họ sẽ tạo ra sự khác biệt như khuôn tròn vuông, hoặc ovan của mặt nạ hay loại vũ khí nhân vật sẽ mang.
Người làm mặt nạ phải có hiểu biết sâu về tính cách, nhân phẩm của nhân vật mà mặt nạ phải lột tả. Họ cho rằng một thợ làm mặt nạ tốt phải có đủ ba phẩm chất: có khả năng vẽ, chạm khắc khuôn tốt đủ để chuẩn bị cho mẫu tính cách và có khả năng tạo ra những nét trang trí khắc sâu mà thanh nhã. Một người thợ giỏi nghề và có đôi bàn tay vững vàng thực sự là một tài sản quí. Ngày xưa, mẫu mặt nạ thường được làm từ gỗ và đất sét nhưng giờ đây những người làm mặt nạ sân khấu có thể sử dụng các chất liệu thay thế hiện đại hơn cho mẫu của họ. Răng nanh là một trong những trang trí quan trọng của mặt nạ trước đây thường làm bằng ngà voi thì nay do khan hiếm người ta cũng sử dụng các chất liệu khác để thay thế.
Trước khi một người thợ bắt tay vào làm một mặt nạ mới, họ thường có những nghi lễ để cầu xin tổ nghề giúp họ thành công. Mẫu mặt nạ được bồi vài lớp giấy sa hoặc loại giấy thích hợp sau đó làm khô. Tùy thuộc vào cách thức và phương pháp riêng của từng người thợ trong công đoạn bồi giấy và làm khô này cũng như việc quyết định khi nào quét một lớp mỏng thuốc chống côn trùng giữa các lớp giấy bồi để tránh thành quả lao động của họ bị phá hỏng. Ngoài các loại mặt nạ như đã kể còn một số lượng lớn mẫu mặt nạ voi, ngựa, và các loại động vật khác.
Sau khi các lớp giấy bồi đã khô, mặt nạ được lấy ra khỏi mẫu để trang trí thêm và cuối cùng được phủ bởi một lớp sơn mài. Mỗi một mặt nạ, người thợ phải mất khoảng bảy ngày mà phần lớn thời gian là để làm khô nên thường là họ làm vài chiếc một lần, mỗi chiếc ở một công đoạn khác nhau. Khi một nghệ nhân hoàn thành mặt nạ họ phải làm lễ cầu cho thần thánh nhập vào mặt nạ đó.
Nghệ thuật làm mặt nạ - đây thực sự là một nghệ thuật - thường là được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hoặc nghệ nhân chấp nhận ngườihọc việc có lòng yêu nghề sâu sắc và thể hiện được tài năng thực thụ mới truyền nghề cho. Ngày nay số nghệ nhân lành nghề còn không nhiều và con cháu họ ít tha thiết với nghề do số tiền thu được quá ít ỏi so với thời gian và kinh nghiệm họ phải bỏ ra.
Trước khi mặt nạ được sử dụng, người ta tiến hành lễ nghi cầu cũng để mong làm dịu đi cơn giận dữ của thần thánh và các loại tai nạn có thể tấn công người diễn viên đeo mặt nạ. Tiếp đó, theo định kỳ người ta lại hành lễ với thần mặt nạ với tất cả sự tôn kính. Những mặt nạ Khon vì được giữ gìn cẩn thận nên có cái tồn tại hơn 100 năm vẫn tốt. Thực tế, có mặt nạ được làm từ thời King Rama II vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia. Trên đất nước Thái, mặt nạ Khon không chỉ được tôn kính mà còn được coi là thiêng liêng, nhất là các mặt nạ được làm một cách đặc biệt cho dịp lễ Waikru hằngnăm. Chúng thu hút sự chú ý và có được sự đối xử trân trọng hơn nữa so với các mặt nạ khác và một số trong đó khi đã cũ sẽ được mạ vàng.
Thế giới ngày một nhiều hình thức giải trí nhưng những gì đã trở thành truyền thống xứng đáng được tôn vinh và gìn giữ như những báu vật mà qua bao thế hệ đã gọt giũa để nó trở thành những viên ngọc quí để thế hệ con cháu mình có thể tự hào về truyền thống văn hóa độc đáo có một không hai, nét bản sắc văn hóa không gì so sánh nổi của dân tộc. Nếu đánh mất nó, đánh mất những bản sắc riêng của từng dân tộc, thế giới này hẳn sẽ trở nên đơn điệu và buồn chán biết bao.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.