Ngày 9-1, nhân kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), cán bộ và nhân dân xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố đền Tri Chỉ.
Đền Tri Chỉ ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - nhà chính trị, nhà quân sự, một vị tướng thiên tài có công lãnh đạo quân đội ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII. Để ghi nhớ chiến công của quân dân ta trên mảnh đất này trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng từ nhiều thế kỷ trước, đồng thời cũng thể hiện tư tưởng tài kiêm văn võ của quê hương, nên khi xã Hạ Mỗ lập đền Văn Hiến (đền hàng văn), thì cũng lập ngay đền Tri Chỉ (đền hàng võ).
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, di tích là nơi đặt hầm cho cách mạng hoạt động bí mật. Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Lê Thao đã chiến đấu anh dũng hy sinh tại đền Tri Chỉ. Lễ hội của làng được tổ chức hằng năm đã làm sống lại các huyền thoại, truyền thuyết về vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, mang hàm ý giáo dục sâu sắc cho các thế hệ hôm nay về tình yêu quê hương, đất nước, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của các bậc tiền nhân để lại đến ngày nay.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của di tích, ngày 23/4/2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-UBND về xếp hạng đền Tri Chỉ, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng là di tích cấp thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức cho biết, Đan Phượng là huyện nằm trong vùng văn hóa xứ Đoài còn bảo tồn được khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa với 155 di tích, trong đó có 88 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp thành phố. Riêng xã Hạ Mỗ hiện còn bảo tồn được 9 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hạ Mỗ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm của người dân và sự chung tay của cả cộng đồng cùng tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua đó, để di sản văn hóa là nơi hội tụ tinh hoa và tỏa sáng, là biểu tượng cao đẹp nhất về giá trị lịch sử, nhân văn, trí tuệ, đạo đức, cốt cách, bản lĩnh tâm hồn, niềm tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên con đường hội nhập và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.