Giao thông

Đèn tín hiệu dành cho người đi bộ: Hiệu quả chưa như kỳ vọng

Nhóm phóng viên 18/03/2024 - 07:54

Năm 2017, hệ thống đèn tín hiệu tự bấm dành riêng cho người đi bộ được thí điểm lắp đặt tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm giúp người dân chủ động và an toàn hơn khi qua đường.

Sau 7 năm triển khai, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, hệ thống đèn tín hiệu này không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí tại nhiều điểm, đèn tín hiệu đã không còn hoạt động.

tin-hieu.jpg
Đèn tín hiệu dành cho người đi bộ trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) không còn hoạt động.

Trục trặc và ít sử dụng

Tại đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), đèn tín hiệu dành cho người đi bộ được lắp sát cổng Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi tập trung rất đông sinh viên đi lại hằng ngày. Tuy nhiên, điều trớ trêu là, hiện hệ thống đèn tín hiệu này đã không còn hoạt động. Lối đi băng qua dải phân cách cũng được “rào” lại bằng những thanh bê tông.

Chị Nguyễn Quỳnh Nga, một người dân có nhà trên đường Xuân Thủy, cho biết: “Đèn tín hiệu tự bấm dành cho người đi bộ được lắp đặt nhiều năm nay nhưng rất ít người biết cách hoặc không có thói quen sử dụng. Đặc biệt, từ nhiều tháng nay, hệ thống này đã không còn hoạt động”.

Ghi nhận tại các cột đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ được lắp đặt trên các tuyến đường, phố như Xuân Thủy, nút giao Kim Mã - Giang Văn Minh, Láng Hạ, Trần Quang Khải, ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng…, trong số 13 cột đèn tín hiệu được lắp đặt tại những tuyến đường trên, đến nay chỉ còn 3 cột đèn tín hiệu quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm hoạt động. Trong khi đó, đèn tín hiệu dành cho người đi bộ tại một nút giao trên đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) cũng thường xuyên bị trục trặc.

Không chỉ bị hỏng, mất tín hiệu, trục trặc, theo quan sát của phóng viên, rất ít người đi bộ, kể cả du khách quốc tế, sử dụng nút bấm trên đèn tín hiệu để xin sang đường. Hầu hết đều di chuyển theo tín hiệu đèn giao thông cài đặt sẵn hoặc băng sang đường khi không có luồng phương tiện xung đột. Song, cũng có trường hợp, người đi bộ bấm nút đèn tín hiệu để yên tâm bảo đảm an toàn khi sang đường, nhưng xe máy vẫn vô tư vượt đèn đỏ, không nhường đường cho người đi bộ.

Ghi nhận ý kiến của người dân, cơ quan chức năng cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ bị lãng quên là vị trí lắp đặt không phù hợp. Đơn cử như hệ thống trên đường Xuân Thủy (sát cổng Đại học Quốc gia Hà Nội) được lắp đặt cách cầu vượt dành cho người đi bộ chỉ vài trăm mét.

Bên cạnh đó, việc hệ thống đèn tín hiệu dành cho người đi bộ thường xuyên bị trục trặc, không được quan tâm sửa chữa, khiến người dân không thể sử dụng khi cần. Ngoài ra, trên thực tế, rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông cũng chưa hình thành ý thức nhường đường cho người đi bộ tại những nơi lắp đặt hệ thống tín hiệu này...

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Từ những bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý cần đánh giá tính hiệu quả của việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ, từ đó có các giải pháp phát huy đầy đủ công năng của hệ thống này.

Bên cạnh đó, Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho hay, cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

"Xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. trong việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy tuyên truyền tới học sinh, sinh viên không tùy tiện đi bộ băng qua đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường tuần tra cắm chốt để nhắc nhở, xử lý người vi phạm", Trung tá Phạm Văn Chiến cho hay.

Để định hình và xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên Thủ đô, theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến, Thành đoàn Hà Nội thường xuyên phối hợp cùng Công an thành phố tổ chức tuyên truyền việc chấp hành quy định an toàn giao thông, trong đó có việc yêu cầu học sinh, sinh viên qua đường trên cầu vượt, tại những điểm được phép; không tùy tiện băng qua đường gây nguy hiểm cho bản thân và người khác cùng tham gia giao thông…

Còn theo Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu (Phòng Cảnh sát giao thông), tới đây, khi hệ thống camera giám sát được “phủ sóng” trên toàn thành phố, chắc chắn tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, không nhường đường cho người đi bộ… sẽ được kiểm soát và xử lý nghiêm. Việc này cũng sẽ giúp người đi bộ và người điều khiển phương tiện nâng cao ý thức, tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về tác dụng của đèn tín hiệu dành cho người đi bộ, qua đó sử dụng hiệu quả hơn khi tham gia giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đèn tín hiệu dành cho người đi bộ: Hiệu quả chưa như kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.