(HNM) - Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300) là danh tướng thời Trần và cũng là danh tướng trong lịch sử Việt Nam, có công lớn trong hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Ông là tác giả của bộ Binh thư yếu lược (hay Binh gia diệu lý yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Trong tín ngưỡng người dân Việt Nam, ông được tôn sùng bậc thánh nên còn được gọi là Đức Thánh Trần và được thờ phụng ở nhiều nơi.
Sách “Thư mục thần tích, thần sắc” (hiện lưu trữ tại Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Thông tin khoa học xã hội) - phần thần tích, thần sắc về các tổng thời phong kiến trước đây ở khu vực huyện Phụ Dực cũ (Quỳnh Phụ, Thái Bình ngày nay) đã ghi: “Vũ Hạ (làng) tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình… Một nhân thần: Trần Quốc Tuấn. Hai thiên thần: Bát Ngạn, Vi Rung”.
Qua thần phả, thần tích còn lưu lại và tiếp xúc với các cụ cao tuổi ở làng Vũ Hạ, chúng tôi được biết, hiện ở đây có đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngày trước, đền bị tàn phá trong chiến tranh chống Pháp. Hòa bình lập lại, nhân dân tu sửa để lấy nơi thờ phụng Đức Thánh Trần. Sau năm 2000, cán bộ xã, thôn và nhà đền đã vận động nhân dân quyên góp, xây dựng ngôi đền với quy mô bề thế, kiến trúc đẹp. Trước cửa đền có bức tượng Đức Thánh Trần đứng trên bệ đá (chiều cao tổng thể của pho tượng trên 4m), dáng tượng uy nghi, dũng mãnh.
Còn ở đình Vũ Hạ hiện thờ hai vị tướng, tương truyền các vị đã cùng trai tráng trong làng theo Hưng Đạo vương đánh giặc, lập nhiều công lao. Khi mất, các ngài được nhân dân trong làng lập đình thờ. Hiện có hàng chục đạo sắc phong của các triều đại phong kiến trước đây. Các tư liệu điền dã, thần tích, thần phả cho thấy, trong ba lần chống giặc Nguyên Mông, đặc biệt là lần thứ hai và thứ ba, lực lượng quân đội của Hưng Đạo vương đã đóng quân thủy, bộ rải khắp từ An Khê, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ, An Đồng, An Thái, An Ninh, An Vũ, An Lễ (Phụ Dực)… tới tận các xã Thụy Hưng, Thụy Ninh, Thụy Hồng… (huyện Thái Thụy, Thái Bình). Vùng đất này do có đường sông ngòi thuận tiện, lại gần căn cứ của Trần Quốc Tuấn nên một thời đã là căn cứ đóng hậu quân của Hưng Đạo vương.
Trong lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông thứ ba (1288), khi Hưng Đạo vương vượt sông, voi bị sa lầy, nhân dân Vũ Hạ đã cùng với nhân dân ở Hương A Cảo đi cứu voi. Trong trận Bạch Đằng lịch sử, thanh niên trai tráng Vũ Hạ đã cùng với các vị tướng (hiện thờ ở đình làng) đi theo Hưng Đạo vương đánh giặc, lập được nhiều chiến công hiển hách. Sau trận Bạch Đằng giang, một số trai làng Vũ Hạ tử trận, dân làng lập bốn điện thờ ở bốn hướng chính của làng. Sau này, khi Hưng Đạo vương mất, nhân dân Vũ Hạ xây đền thờ ngài, đồng thời sáp nhập bốn điện nói trên quy chung về thờ tại đền.
Hằng năm, vào ngày sinh và ngày kỵ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, dân làng Vũ Hạ đều tổ chức lễ hội long trọng. Trong ngày hội thường diễn tả lại cảnh dân làng đi cứu voi; cảnh tiễn trai làng đi đánh giặc và cảnh đón những người lính chiến thắng giặc Nguyên Mông trở về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.