(HNMCT) - Nhắc đến ẩm thực Ấn Độ, người ta hay nghĩ đến những món ăn vùng Nam Ấn mang màu vàng ruộm hay đỏ chót, sực mùi hương liệu. Vậy nhưng, ẩm thực Bắc Ấn nói chung và ẩm thực Himachal nói riêng chẳng thiếu nét đặc sắc. Du khách ghé thăm Shimla chắc chắn sẽ không thiếu lựa chọn để chiều chuộng vị giác của mình.
Himachal được mệnh danh là “vựa hoa quả của Ấn Độ”. Khí hậu miền núi tạo thuận lợi cho việc trồng những loại cây ăn quả ôn đới như táo, mận, mơ, đào... Ngoài việc mua những thứ hoa quả này về làm quà cho người ở nhà, nhiều vị khách nước ngoài còn săn tìm các loại rượu trái cây được bày bán sẵn ở các chợ tại Shimla. Một chai rượu táo hay rượu mơ làm từ hoa quả chín trên cây và nước băng núi tan ra hoàn toàn có thể làm vừa lòng những người sành rượu khó tính nhất.
“Junglee maas” trong tiếng Ấn nghĩa là “thịt rừng”. Các thợ săn ngày xưa khi đi rừng thường nấu junglee maas từ thịt những con vật mà họ bắt được hầm với bơ ghee, muối, nước và ớt, sau đó dùng với bột kê hoặc bột ngô hấp. Các thực khách sành ăn nhất còn biết rằng, thứ ớt nấu junglee maas ngon nhất có nguồn gốc từ làng Mathania ở Rajasthan. Junglee maas vừa là món ăn no lâu, vừa là một thứ thuốc giúp các thợ săn chống chọi được với cái rét căm căm trên sườn núi Himalaya.
Ngay từ thời cổ đại, người Bắc Á và Đông Âu đã biết đến tác dụng dược liệu của cây tầm ma. Người ta lấy lá tầm ma sắc làm thuốc lợi sữa cho bà đẻ uống, hay là dùng thân cây tầm ma gây ngứa đánh vào da bệnh nhân phong thấp để đỡ đau. Ở Himachal, những bà nội chợ nấu kandalee ka saag từ lá tầm ma. Họ ngâm lá thật kỹ để hết chất ngứa, sau đó đem xào lên với dầu mù tạt, hạt thìa là và bột ớt cho đến khi thành một thứ cháo. Với những ai ăn chay hoặc bị cảm cúm, kandalee ka saag sẽ cung cấp cho họ những dưỡng chất mà cơ thể còn thiếu, giúp họ sớm lấy lại được thể trạng tốt nhất.
Văn hóa miền Bắc Ấn Độ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc và Tây Tạng. Ẩm thực của họ cũng không phải là ngoại lệ. Món bánh bao hấp tingmo từ Tây Tạng du nhập vào Ấn Độ và đã trở thành thứ đồ ăn vặt ưa thích của người Shimla. Từng chiếc bánh tingmo cắn vào ngọt mà thanh nên ăn riêng cũng được, ăn cùng với các món mặn, món chay hay mỳ lại càng ngon. Với những chiếc bánh tingmo để qua đêm nên đã mất đi phần nào vị ngon, người Ấn Độ lại nghĩ ra cách chiên chúng trong dầu rồi nhúng vào tách trà buổi sáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.