(HNM) - "Trung thu này vui ghê, bé cưỡi ngựa bằng que tre, quất mấy roi nó cũng phi, phi vòng quanh...". Câu hát của lũ trẻ những năm 70 thế kỷ trước (thời mà cái ăn còn thiếu, nói gì đến cái chơi), thường nghêu ngao mỗi độ Trung thu - giờ đã là dĩ vãng. Trăng mấy mươi năm trước và trăng hôm nay vẫn thế, nhưng cuộc sống đã đổi thay nhiều, nhất là với trẻ thơ, những gì hiện tại các em có, với cha mẹ chúng trước đây mấy chục năm chỉ dám mơ như mơ về thế giới của những câu chuyện cổ tích. Tuy nhiên, trong sự đầy đủ, vẫn còn những góc khuất mà ánh trăng không soi tỏ, khiến nhiều cha mẹ không khỏi buồn lòng và âu lo.
Các anh chị đoàn viên thanh niên huyện Sóc Sơn chuẩn bị cho các em nghèo vui Tết Trung thu. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Đầy đủ chưa hẳn đã vui...
Với con trẻ, bao giờ cũng thế, chơi là chính, ăn chỉ là phụ. Trong khi bố mẹ chúng xuýt xoa rằng Trung thu năm nay, có loại bánh giá đắt khủng khiếp lên đến 3 triệu đồng một hộp - tương đương 1 chỉ vàng, vậy mà bọn trẻ vẫn dửng dưng, chỉ một mực hỏi bao giờ bố mẹ cho đi mua đồ chơi?
Những đồ chơi truyền thống như đầu sư tử, trống, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn thỏ, mặt nạ... vẫn được bày bán rất nhiều ở phố Hàng Lược, Hàng Mã, Chả Cá, nhưng khách mua không nhiều, đa phần vào chỉ ngắm và chụp ảnh, hỏi giá và... bỏ đi. Như mách bảo nhau từ trước, nhiều cháu nằng nặc đòi bố mẹ phải đưa đến những cửa hàng bán đồ chơi điện tử. Ở phố Lương Văn Can, chúng tôi thấy rất đông bố mẹ và các con xúm xít quanh một anh chủ hàng đang cao hứng quảng cáo sản phẩm ô tô leo tường nhập ngoại: "Các bác mua đi, đây là một sản phẩm siêu tưởng, đang gây chấn động thế giới công nghệ, hàng vừa nhập về, vẫn còn nóng, giá cả phải chăng, có 350 nghìn đồng một chiếc"... Rồi anh ta lắp pin, điều khiển cho chiếc xe leo phăm phăm lên tường. Anh Dũng, nhà ở quận Long Biên, đưa hai con đi mua đồ chơi, cười méo mó, vừa móc ví lấy 700 nghìn đồng mua 2 chiếc ô tô "siêu tưởng" cho con, vừa nói: "Đắt quá anh ạ, chẳng biết loại nhựa làm ô tô này có độc hại gì không, nghe báo chí nói, mới đây qua kiểm nghiệm cho thấy 100% các mẫu đồ chơi đĩa bay UFO do Trung Quốc sản xuất có hàm lượng chất độc hại phelitít gì đó vượt quá tiêu chuẩn cho phép, có thể gây hại gan, thận, ảnh hưởng đến hóc môn tăng trưởng, có thể gây đột biến. Đã tưởng sau khi các cơ quan chức năng đã công bố là độc hại thì các cửa hàng sẽ không bán, nhưng em hỏi thử ở đoạn phố trên kia, mấy chủ hàng vẫn nói, muốn mua bao nhiêu chiếc cũng được. Sợ thật!".
Đứng cạnh anh Dũng, chị Liên nhà ở phố Khâm Thiên đang vã mồ hôi tư vấn cho cô con gái nên mua bộ đồ chơi búp bê nấu ăn, hoặc bộ đồ bác sỹ, không nên mua mấy chục trứng xanh đỏ. "Thứ này nom đẹp, nhưng nguy hiểm lắm" - chị Liên nói - Ngày 8-9 vừa qua, chị Nguyễn Thị Mai nhà ở Sóc Sơn phải đem con đến Viện Tai Mũi Họng cấp cứu vì nuốt đồ chơi dạng hình quả trứng như thế này, các bác sỹ mất hơn 1 giờ mới cứu được cháu bé. Chị Mai này như thế còn là may, chứ có một cháu học ở Trường Trung Tự mới tử vong vì nuốt phải quả trứng gà đồ chơi làm tắc đường thở. Bác sỹ Hùng ở Khoa Nội, Viện Tai Mũi Họng nói, cứ mỗi dịp Trung thu, số trẻ nhập viện vì nuốt phải dị vật tăng vọt, từ đầu tháng 9 đến giờ, có 6 cháu phải cấp cứu vì ngạt thở".
Cùng với xe leo tường hút hồn lũ trẻ, Trung thu năm nay đám mặt nạ làm bằng lông vũ, tóc giả để hóa trang, mũ thỏ Playboy... tràn ngập trên các giá treo đã đánh bạt những mặt nạ chú Tễu, chú Cuội, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, đèn ông sao và đầu sư tử vào nằm dúm dó ở những góc hàng đồ chơi. Bên cạnh tàu ngầm, xe tăng, máy xúc, ô tô điều khiển từ xa bán vẫn chạy, thì các loại trực thăng đang được các cậu bé săn tìm. Giá của chiếc trực thăng nhỏ bằng ngón chân cái, cánh quạt hai tầng là 300 nghìn đồng, loại to nhất gần 2 triệu đồng. Chẳng biết sau vấn nạn diều bay loạn trên phố làm chập cháy các đường điện cao thế, "món" trực thăng phành phạch mới xuất hiện này liệu có gây tác hại gì? Dạo qua thị trường đồ chơi mà thấy tủi cho đồ chơi nội, mấy chục năm nay mẫu mã, chất liệu không có gì thay đổi, vẫn chỉ giấy bồi, tre nứa và phẩm màu, trong khi đó đồ chơi ngoại liên tục được "nâng cấp". Ví như lọ thổi bong bóng, trước đây các ông bố, bà mẹ rất ngại mua, vì hễ thổi hết nước là các con lại đi tìm xà phòng, nước rửa chén tự pha, toe toét cả ra quần áo, nay sẽ khó mà từ chối con trẻ vì đã có súng bắn bong bóng, chỉ cần bóp nhẹ là bong bóng bay ra như mưa và có sẵn các hộp đạn thay thế.
Gần đến đêm Rằm, nhiều phường cử các bác hội phụ nữ, tổ trưởng dân phố đến từng nhà động viên các cháu ra trụ sở dân phố vui Trung thu, nhưng chẳng mấy cháu tham dự. "Ngoài đấy chẳng có trò gì chơi, chán lắm!" - bọn trẻ nói. Trăng của nhiều cháu bây giờ không còn là hình tròn nữa, ánh sáng cũng không xanh màu ngọc, mà thay vào đó là "trăng hình chữ nhật" của màn hình vi tính, với ánh sáng chớp giật liên hồi của những trò bắn giết. Mặc dù Sở Thông tin Truyền thông đã yêu cầu các đại lý game online phải đóng cửa trước 23 giờ, nhưng nhiều hàng vẫn khép cửa, cử người canh cho bọn trẻ "chiến đấu" thâu đêm. Tim chợt nhói đau khi nghe hai cô bé tiểu học lúc ra về thì thào rủ nhau không ra phường phá cỗ mà lên mạng zing.vn chăm sóc cây để lấy mâm cỗ Trung thu ảo. Rồi 5-6 cậu choai choai, đẩy chiếc xích lô trên có chiếc trống, một cái đầu lân, thở hi hóp nói giọng đầy cay cú: Mấy lão ngồi ăn hải sản, uống bia ken ở phố Lò Sũ hãm quá, người ta đánh trống, múa oằn èo đau hết cả lưng, thế mà cho có 5 nghìn bọ...
Ở nơi trăng chưa tròn
Chiều chủ nhật, chúng tôi rong ruổi xe máy qua mấy xã thuộc diện khó khăn của huyện Sóc Sơn. Khác với không khí đón Trung thu nhộn nhịp trong nội đô, ở ngoại thành hầu như chưa động tĩnh gì. Đang là vụ gặt, bố mẹ ở ngoài đồng cả, lũ trẻ nếu không đi học thì ở nhà bìu díu anh cõng em, tha thẩn chơi với nhau.
Anh Nguyễn Văn Hưởng, Bí thư Đoàn xã Việt Long cho biết, Đoàn xã đã lên kế hoạch tổ chức đón Trung thu tại 4 thôn, phân công đoàn viên, chuẩn bị kịch bản khá chu đáo. Tuy nhiên, bánh kẹo vẫn đang chờ dự án PLAN chuyển về, nghe nói năm nay xã được tài trợ quãng 20 triệu đồng, dân trong xã đóng góp thêm được gần chục triệu, chia ra cho gần 2 nghìn cháu trong độ tuổi đi học cũng tạm đủ để có một Tết Trung thu nho nhỏ. Theo như anh Hưởng thì Việt Long còn may hơn các xã khác vì có dự án PLAN đang hoạt động trên địa bàn, các xã bên cạnh không có dự án, Trung thu không có tài trợ nên kinh phí cho Trung thu rất eo hẹp.
Đến trường mẫu giáo của xã - một dãy nhà cấp bốn lụp xụp nằm nép sâu trong ngõ, cô Nguyễn Thị La, Hiệu trưởng cho biết: Có chỗ học cố định là may lắm rồi, trước kia các lớp mẫu giáo phải chạy tung tóe khắp nơi, lúc ở nhờ ngoài đình, đền, khi thì ở nhà kho, thậm chí vào cả trại chăn nuôi... Trường này trước là trạm y tế xã, xây từ năm 1964, mấy năm rồi xuống cấp ghê quá, cô trò vừa học vừa tìm cách che chắn "phòng thủ" vì sợ ngói rơi vào đầu, kêu miết huyện mới cho sửa lại mái. Chỗ ở hiện nay chật lắm, mỗi lớp thường gấp đôi số học sinh cho phép, nhà chật, mái thấp, những ngày nóng bức, cô và trò chỉ loay hoay quạt cho nhau cũng đủ hết hơi rồi. Nói về việc chuẩn bị Trung thu cho các con, giọng cô La chùng xuống: Quỹ của Hội phụ huynh có 30 đồng/người/năm, phải chi cho biết bao việc. Có năm, thấy mâm cỗ đón Trăng của các con đơn sơ quá, nhiều cô phải đem bánh kẹo nhà mình ra góp thêm.
Chúng tôi đã đến nhà bà Nguyễn Thị Lưỡng, thôn Tiến Tảo. Ngôi nhà mới được sửa lại bằng tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Bà Lưỡng cho biết, 40 triệu đồng tiền đền bù chỉ đủ xây lại tường, dọi lại mái, không đủ làm cửa. Nhà bà Lưỡng có 5 cháu, đứa lớn 13 tuổi, bé mới 1 tuổi. Hỏi về chuyện lo Trung thu cho lũ trẻ, bà cười như mếu: Mẹ các cháu đang đi làm thuê, có mua gì thì mua, chẳng biết hôm rằm này có về kịp? Không chỉ nhà tôi mà cả thôn, xã này mấy nhà mua được đồ chơi cho con trẻ đâu, bánh kẹo cũng chỉ mua loại rẻ thôi, có nhà mấy năm liền chẳng mua nổi hộp bánh tử tế... có chăng là một cặp bánh ngoài chợ làng giá hơn 10 nghìn đồng, chẳng rõ đâu làm, vừa ăn vừa lo bọn trẻ đau bụng.
Lúc rời Việt Long, chúng tôi gặp mấy cháu nhỏ nom tươi rói đang cùng nhau bổ một trái bưởi lép. Thương các con quá! Ở thành phố, vật chất đầy đủ nhưng trẻ em bị những món đồ chơi hiện đại, những trò chơi trên mạng hút hồn, không hề biết những trò chơi truyền thống, trò chơi tập thể. Còn ở đây, cái nghèo khiến các con thiệt thòi nhiều quá. Tuy nhiên, đâu phải cứ có nhiều tiền, nhiều bánh kẹo, đồ chơi Trung thu mới vui. Thì ngày trước đấy, bọn trẻ phá cỗ ở nhà xong, xin bố mẹ quả hồng, ít cốm, góc bánh đến góp cùng các bạn trông trăng. Đồ chơi thì tự làm, tự vót tre, xin giấy màu dán thành đèn ông sao, có cả chùm hạt bưởi bóc, xâu rồi phơi khô, đợi đến rằm đốt lên, hạt bưởi nổ lép bép, tỏa hương thơm. Đêm Trung thu ngày ấy tuy đơn sơ nhưng thật huyền diệu, lũ trẻ mải chơi đến khi bố mẹ gọi mới về. Có những niềm vui cho con trẻ không phụ thuộc nhiều vào vật chất mà có được do sự quan tâm, yêu thương của người lớn.
Một câu nói cũng đã trở thành "truyền thống" trong nhiều báo cáo về chăm sóc, bảo vệ thanh, thiếu niên, nhi đồng: "Việc chăm lo cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội, gia đình, nhà trường và của cả hệ thống chính trị". Đúng quá. Chí lý quá! Vậy thì còn gì mà phải lo nữa, cứ đợi trăng đến rằm rồi trăng sẽ tròn?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.