Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến năm 2030 Hà Nội dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận

Bảo Hân - Ảnh: Bùi Việt| 04/07/2017 10:13

(HNMO) - Với 95/96 đại biểu có mặt tán thành (đạt tỷ lệ 91,35%), sáng 4-7, Đề án


HĐND TP đánh giá, đây là Nghị quyết mang tính lịch sử, đột phá, vì một Hà Nội hiện đại, văn minh và vì cuộc sống của người dân Thủ đô.


Bước sang ngày làm việc thứ hai tại kỳ họp thứ tư, HĐND TP khoá XV, UBND TP đã trình HĐND TP thảo luận và quyết nghị về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030". Đây là một trong những nội dung quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của nhân dân thời gian qua.

Trong Tờ trình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện nhấn mạnh đến thực trạng và sự cần thiết ban hành Nghị quyết, quá trình xây dựng Nghị quyết cũng như kinh nghiệm quản lý phương tiện giao thông đường bộ của một số đô thị trong khu vực và trên thế giới.

Nội dung chính của Nghị quyết nêu ra các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 gồm: quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý về chất lượng phương tiện giao thông; quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải...

Cấm xe máy được triển khai theo lộ trình rõ ràng

Các giải pháp này sẽ được triển khai đồng bộ, linh hoạt theo lộ trình sau:


Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng; áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.


Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp của Đề án được huy động từ nguồn ngân sách và thu hút từ nguồn vốn xã hội hoá thông qua hình thức đối tác công tư (PPP). Hàng năm, UBND TP xây dựng kế hoạch thực hiện và dự kiến nguồn ngân sách đầu tư báo cáo HĐND TP để xem xét, quyết nghị.

Thẩm tra Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP nhận định,  việc ban hành Nghị quyết về Đề án là rất cần thiết, có căn cứ pháp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền HĐND TP. Quá trình xây dựng Đề án được UBND TP chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức hội thảo khoa học, công khai lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ban, ngành Trung ương, UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức phản biện xã hội.

Ban Đô thị, Ban Pháp chế HĐND TP cơ bản thống nhất nội dung và các giải pháp của Đề án.

Đối với các biện pháp thuộc thẩm quyền của TP, UBND thành phố cần cụ thể hoá bằng các kế hoạch, đề án chuyên đề để tổ chức thực hiện ngay theo lộ trình.

Đối với 7 biện pháp đề xuất thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trong đó có việc tiếp tục rà soát điều chỉnh giờ học, giờ làm việc và kinh doanh dịch vụ nhằm giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm, hai Ban cho rằng đây là những biện pháp mới, có tính đột phá, chưa được quy định trong các văn bản pháp luật. Do đó, để có căn cứ, trước khi tổ chức thực hiện, UBND TP cần báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan, hoặc quy định đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Về 3 nội dung HĐND TP đề nghị thuyết minh, làm rõ hơn, UBND TP cũng đã có báo cáo sau thẩm tra nhằm thông tin đầy đủ về thực trạng hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội; giải pháp phát triển hành khách công cộng; khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2030; đánh giá tác động đến kinh tế...

Các ĐB HĐND biểu quyết thông qua Đề án.


Hà Nội: Nên miễn phí cho người tham gia giao thông bằng xe buýt

Trước khi Nghị quyết được biểu quyết thông qua, đã có 10 ĐB HĐND TP phát biểu ý kiến. Các ĐB đều đồng tình, nhất trí cao với nội dung của Đề án, đồng thời đóng góp thêm một vài kiến nghị, giải pháp cụ thể.

ĐB Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín)cho rằng, Đề án chưa nêu được mục đích là giảm tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt là ATGT tại các quận nội thành từ nay đến 2030.

ĐB Trần Việt Anh(Ba Đình) đánh giá, Đề án đã có sự chuẩn bị tốt. 6 nhóm giải pháp và 45 biện pháp mà Đề án đưa ra là phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô hiện nay.

ĐB Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai).


"Vấn đề tắc nghẽn giao thông là vấn đề rất nghiêm trọng đối với TP. Do vậy, tôi nghĩ cần có giải pháp cứng và giải pháp mềm. Về giải pháp cứng,  TP có đề xuất rút hạn ngạch cho taxi cũng như phương tiện giao thông ô tô khác. Riêng với phương tiện xe máy, phải tiến hành hạn chế dần, tiến đến việc cấm cho đến năm 2030. Tôi nghĩ việc này hoàn toàn hợp lý và được xem là giải pháp cứng" - ĐB Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai)nói.

ĐB Đoàn cũng mạnh dạn đề xuất TP đột phá miễn phí cho người tham gia giao thông xe buýt. Vì nếu so sánh với những thiệt hại do tắc đường, ô nhiễm môi trường, việc miễn phí là rất cần thiết nhằm tạo thói quen cho người dân Thủ đô đi phương tiện giao thông công cộng.

ĐB Vũ Mạnh Hải (Thường Tín)đặc biệt quan tâm đến việc quản lý chặt các phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng khi lưu hành ban đêm và quy định xe ra vào TP phải bảo đảm tiêu chuẩn sạch. "Hà Nội hiện như một đại công trường. Có những gia đình xây nhà phải huy động đến 250 xe chở rác thải, vật liệu xây dựng. Những xe này chạy trong TP chỉ che phủ bằng bạt phong phanh, sơ sài  gọi là có. Hà Nội có những khu phố sau một đêm trở thành một bãi rác vì bị đổ trộm số rác thải này. Do đó, cần phải có chế tài quản lý thật chặt, thật nghiêm để tất cả xe vận chuyển rác thải, vật liệu xây dựng phải tuyệt đối sạch. TP nên có những đơn vị chuyên làm dịch vụ đó và chịu sự giám sát của cơ quan chuyên môn" - ĐB Hải kiến nghị.

ĐB Nguyễn Xuân Lưu (Thanh Xuân).


ĐB Nguyễn Xuân Lưu (Thanh Xuân)đưa ra một số đề xuất cụ thể về bố trí các điểm dừng kèm theo việc trông giữ phương tiện; quy định mốc thời gian cụ thể cho lộ trình thực hiện thay vì quy định chưa rõ ràng như trong Đề án; biến một số cây xăng không đúng quy hoạch của Hà Nội trở thành điểm cung cấp nhiên liệu sạch; tài khoản mở tại ngân hàng của chủ phương tiện cơ giới không chỉ để thu phí đường bộ mà còn được sử dụng để phạt nguội, bảo đảm xử phạt kịp thời, nghiêm minh.

Tiếp thu những ý kiến tâm huyết, xác đáng của các ĐB, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, TP sẽ cụ thể hoá trong quá trình hoàn thiện Đề án và triển khai thành các chương trình cụ thể sau này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2030 Hà Nội dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.