(HNM) - Lãng phí nhân lực vì đào tạo chạy theo thị hiếu, chọn nghề không đúng sở trường… là những vấn đề khiến các nhà quản lý dạy nghề, trường học đau đầu, còn lớp trẻ thì hoang mang…
Đào tạo theo thị hiếu
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp vẫn loay hoay với các phương án tìm kiếm lao động có tay nghề, kỹ thuật, trong khi các trường nghề mọc ra như nấm, vận dụng đủ chiêu để thu hút học sinh nhưng sự vắng vẻ và có phần lãng phí đã hiện rất rõ. Nguyên nhân nào dẫn đến điều này?
Điều dễ nhận thấy ở trường nghề là đào tạo theo thị hiếu bằng cách mở ra những ngành nghề mới, theo "mốt" của giới trẻ. Thống kê của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, ngành điện tử công nghiệp là nghề đứng đầu về số lượng trường đào tạo và tuyển sinh hệ CĐ với tổng số 135 trường (năm 2010 tuyển sinh 9.858 sinh viên). Ngành kế toán doanh nghiệp, dù chỉ có 80 trường CĐ nghề nhưng số lượng tuyển sinh lên tới 20.000. Với các ngành nghề thuộc các trường ĐH, CĐ, ngành kinh tế và CNTT luôn được ưu tiên hàng đầu. Phụ huynh và học sinh bị thu hút vì những ngành nghề này có tiếng là thu nhập cao, công việc không vất vả. Trong số 448 cơ sở đào tạo hiện nay thì có đến 360 cơ sở đào tạo ngành quản trị kinh doanh, 298 cơ sở mở ngành kế toán, 297 cơ sở mở ngành CNTT, 193 cơ sở đào tạo ngành tài chính - ngân hàng...
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực hành nghề điện. Ảnh: Phương Thanh |
Bộ GD- ĐT cho biết, năm 2010 số lượng sinh viên vào ngành kỹ thuật - công nghệ chiếm 31,09% đại học và 47,41% cao đẳng, ngành kinh tế chiếm 28,96% đại học và 16,96% cao đẳng; trong khi nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 8,69% đại học và 8,49% cao đẳng, ngành KHXH chiếm 7,61% đại học và 3,19% cao đẳng. Năm 2011, tuyển mới đại học, cao đẳng chính quy tăng 6,5% so với 2010, nhưng cũng chỉ có 10% chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngay cả khi có Quyết định 121/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 -2020 yêu cầu: điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên được đào tạo theo các nhóm ngành, nghề đến năm 2020 đạt tỉ lệ: khoa học cơ bản 9%, sư phạm 12%, công nghệ - kỹ thuật 35%, nông - lâm - ngư 9%, y tế 6%, kinh tế - luật 20% và các ngành nghề khác 9% thì số lượng thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ, dạy nghề vẫn lệch lạc, chưa phù hợp với nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền.
Phải điều chỉnh
Đã đến lúc phải điều chỉnh sự mất cân đối này. Muốn vậy, cần quy hoạch, phát triển ngành nghề đào tạo rõ ràng, có căn cứ, định hướng cụ thể để phù hợp với nhu cầu thực tế. Tình trạng chạy đua theo thị hiếu của thí sinh phải được dẹp bỏ và tìm cách đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Một đại diện UBND huyện Từ Liêm cho biết, hiện nay số lao động nông dân bị thu hồi đất đang thất nghiệp khá nhiều, trên địa bàn huyện có rất nhiều trường ĐH, CĐ, TC nghề nhưng lại có rất ít ngành nghề đào tạo đáp ứng được nhu cầu học nghề của người dân địa phương.
Thêm nữa, hiện nay các trường TC nghề, CĐ nghề có chất lượng chủ yếu tập trung ở các khu đô thị, chi phí học tập cao, do đó khó thu hút học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, do chưa có chế độ tiền lương theo 3 cấp trình độ đào tạo nghề nên việc xếp lương cho NLĐ sau khi tốt nghiệp TC nghề, CĐ nghề gặp khó khăn. Đây là hạn chế lớn cho học sinh lựa chọn học nghề. Rất nhiều người trong cuộc cho rằng bản thân sự lựa chọn ngành nghề trong các trường chưa chuẩn. Chẳng hạn, hiện nay trong xã hội đang phát triển mạnh xu hướng CNTT, kinh tế nên các trường lựa chọn đào tạo ngành nghề này. Tuy nhiên, chu trình đào tạo thấp nhất là 2 năm (đối với hệ cao đẳng) và cao nhất là 5 năm (đối với đại học). Đến khi sinh viên học xong ngành nghề đào tạo thì xu hướng phát triển của xã hội đã thay đổi. Lúc đó, hàng loạt khóa học đào tạo về CNTT, kinh tế ra trường sẽ không đáp ứng được nhu cầu mà doanh nghiệp đang cần. Như vậy để thấy lựa chọn ngành nghề cần phải có con mắt nhìn xa trông rộng, phải ít nhất là đón trước nhu cầu xã hội 2-5 năm.
Trên lý thuyết các trường đều có báo cáo về các cuộc khảo sát, điều tra nhu cầu của thị trường nhưng trên thực tế việc thực hiện một cách bài bản vẫn rất lúng túng. Ngay cả việc kết nối giữa trường nghề - doanh nghiệp - thị trường lao động vẫn còn rất mơ hồ. Hiện nay các trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia chưa hoàn thiện và hoạt động thiếu hiệu quả. Vì vậy, nếu chưa thực sự làm tốt các công việc cần làm thì khó có thể điều chỉnh lại công tác đào tạo và phát triển các ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.