(HNM) - Hôm qua (24-10), kết quả sơ bộ của cuộc tổng tuyển cử tại Argentina do Bộ Nội vụ nước này công bố cho thấy đương kim Tổng thống Cristina Fernandez đã giành chiến thắng áp đảo và dễ dàng giành quyền tái đắc cử ngay sau cuộc bỏ phiếu vòng 1.
Dù chỉ mới có 15,5% điểm bỏ phiếu được kiểm, nhưng kết quả cho thấy bà C.Fernandez đã giành 53% số phiếu, cao hơn đối thủ gần nhất - Hermes Binner - của đảng Xã hội, tới 36%. Nếu kết quả được giữ vững, bà Cristina (58 tuổi), sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên tái đắc cử Tổng thống Argentina và đứng trước cơ hội làm nên hai cột mốc lịch sử khác kể từ khi nền dân chủ được lập lại tại quốc gia Nam Mỹ này (năm 1983): trở thành người đắc cử tổng thống với tỷ lệ ủng hộ cao nhất (từ năm 1973, khi cố Tổng thống Peron chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ trên 60%) và đưa một lực lượng chính trị (đảng Mặt trận vì thắng lợi) cầm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 2003).
Tổng thống C.Fernandez mừng chiến thắng với những người ủng hộ sau cuộc tổng tuyển cử ở Buenos Aires, Argentina. |
Thành công của Tổng thống C.Fernandez nói riêng và của Mặt trận vì thắng lợi theo đường lối trung tả nói chung là do định hướng kinh tế đúng đắn cùng sự khôi phục vai trò của thành phần kinh tế nhà nước. Argentina đã vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị trầm trọng giai đoạn 2001-2002, đạt tỷ lệ tăng trưởng cao và ổn định trong những năm sau đó và đối phó thành công cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009. Các chính sách trợ cấp xã hội để phân chia lợi ích từ phát triển kinh tế một cách cân bằng hơn dưới thời tổng thống đương nhiệm đã được đông đảo cử tri ủng hộ. Tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng của Argentina trong những năm gần đây, bình quân 8%/năm, nhờ sản xuất và tiêu dùng phát triển, cộng với việc kiềm giữ tỷ giá đồng peso tương đối thấp so với đồng USD nhằm duy trì tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu bảo đảm kim ngạch xuất khẩu tăng cao...
Cũng phải nói tới sự lôi cuốn cá nhân của nữ tổng thống đương nhiệm C.Fernandez. Hình ảnh một nữ chính trị gia thông minh, quyết đoán và giàu nghị lực đã thuyết phục được quần chúng, đặc biệt là giới phụ nữ và thanh niên. Đây là lần thứ hai bà C.Fernandez ra tranh cử Tổng thống Argentina. Năm 1997, bà trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước này. Lúc đó, người ta cho rằng bà chỉ "giữ chiếc ghế tổng thống cho ấm" để chờ đợi chồng trở lại vị trí này vào năm 2011. Tuy nhiên, chồng bà, cựu Tổng thống Nestor Kirchner đã qua đời cách đây 12 tháng và bà Cristina phải "ra trận" một mình. Sự tiếp nối chính sách của chồng trong các năm 2003 - 2007 là ủng hộ người nghèo và duy trì tăng trưởng kinh tế cao (9% trong năm ngoái và dự đoán năm nay cũng gần như vậy) đã đưa bà Cristina trở thành nhân vật được dân chúng hâm mộ.
Tất nhiên, phía trước đương kim Tổng thống C.Fernandez còn nhiều thách thức. Dù Argentina hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latin và đang phát triển bùng nổ, nhưng Tổng thống C.Fernandez sẽ phải chèo lái để chế ngự tỷ lệ lạm phát cao ở mức 25% như hiện nay mà không làm thương tổn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế; đồng thời tìm cách trả các khoản nợ nước ngoài mà không vắt kiệt dự trữ của ngân hàng trung ương.
Chiến thắng đến gần ngay trong vòng 1 - kết quả chính thức sẽ công bố vào ngày 7-11 - với Tổng thống C.Fernandez đang tạo cơ hội cho người phụ nữ quyền lực nhất Mỹ Latin đi tiếp. Không những thế, cuộc về đích có hậu của Tổng thống C.Fernadez còn đánh dấu sự thay đổi quan trọng với tương lai của một nhà lãnh đạo từng được dự đoán sẽ phải ra đi, do các cuộc biểu tình giận dữ của nông dân và các cử tri trung lưu do các cải cách kinh tế đã đụng chạm đến quyền lợi của hai tầng lớp khá đông đảo ở quốc gia Mỹ Latin này. Các cuộc biểu tình đã khiến tỷ lệ ủng hộ bà giảm mạnh ngay sau khi lên nắm quyền và Tổng thống C.Fenandez đã trải qua một giai đoạn đầy sóng gió. Tuy nhiên, đảng đối lập suy yếu, cùng nền kinh tế khởi sắc đã giúp Tổng thống C.Fernandez biến những lá phiếu đồng cảm thành sự ủng hộ vững chắc. Và sự ủng hộ này hứa hẹn giúp đương kim Tổng thống Argentina vững tin bước tiếp trên con đường chính trị đầy mạo hiểm để đưa xứ sở của những vũ điệu trên sân cỏ tiếp tục phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.