Tây tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Những câu thơ trong bài thơ lẫm liệt “Tây tiến” của Quang Dũng đã nói lên rất nhiều âm hưởng tâm tình của những người lính rời Hà Nội đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bộ đội Trung đoàn Thủ đô tháng 12-1946. Ảnh: tư liệu
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Những câu thơ trong bài thơ lẫm liệt “Tây tiến” của Quang Dũng đã nói lên rất nhiều âm hưởngtâm tình của những người lính rời Hà Nội đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Sắp kỉ niệm 60 năm Tây tiến, chúng tôi gặp một người bạn của nhà thơ. Lúc Quang Dũng sắp ra đi, ông đã ngồi ôm bạn mà khóc.
Ông là giáo sư tiến sĩ Lê Hùng Lâm, chiến sĩ trung đoàn 52, trưởng ban liên lạc bộ đội Tây tiến, khi còn tại chức là hiệu trưởng Trường y tế công cộng Hà Nội. 16 tuổi, cậu học trò trường Louis Pasteur, đóng ở trụ sở Bộ Tài chính bây giờ, xếp bút nghiên vào bộ đội, làm liên lạc đại đội 16 tiểu đoàn 212 trung đoàn Tây tiến. Lê Hùng Lâm đã chiến đấu, bị thương ở chiến lũy Ô Cầu Dền trong 60 ngày đêm quật cường Hà Nội giữ chân quân Pháp. Tiếp khách, giáo sưvẫn cho thấy một phong độ khỏe khoắn, sáng láng của người trí thức, anh bộ đội cụ Hồ. Ông kể về những trang sử vàng kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến...
Sau 60 ngày đêm chiến đấu cầm chân giặc, bộ đội Thủ đô rút ra vùng tự do, bảo toàn lực lượng chuẩn bị kháng chiến trường kì. Trung đoàn Thủ đô rời liên khu I lên chiến khu, còn chiến sĩ các đơn vị thuộc liên khu II hành quân theo hướng Tây. Đây là một địa bàn chiến lược, địch muốn chiếm để khống chế vùng xuôi, chia rẽ dân tộc cho dễ thống trị. Ngay sau ngày Độc lập, Trung ương đã quyết định đưa nhiều cán bộ, đơn vị bộ đội đi Tây Bắc, kết hợp với chính quyền các địa phương chủ động đánh địch từ Lào sang, Trung Hoa xuống.
Ngày 1-2-1947, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho trung đoàn 52. Trên con đường về miền Tây, các đồng chí sẽ phải lặn lội nơi rừng xanh suối bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một bóng người, thủy thổ không quen thuộc, vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng. Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướngTây là đủ tỏ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí... Công đức của các đồng chí, đồng bào và Tổ quốc sẽ ghi nhớ. Dưới sự điều khiển của Bộ chỉ huy Tây tiến, các đồng chí mạnh tiến lên trên con đường vinh quang thắng lợi. Nếu trong cuộc kháng Nhật chúng ta đã thành công với khu Giải phóng Việt Bắc thì trong cuộc kháng Pháp chúng ta phải thành công với công cuộc Tây tiến.
Cuộc hành quân cơ động cũng là cuộc chiến đấu, củng cố và xây dựng của trung đoàn chủ lực. Truyền thống tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân của bộ đội Tây tiến đến hôm nay vẫn khắc ghi trong lịch sử dân tộc và lực lượng vũ trang. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, hầu hết đối tượng tác chiến của trung đoàn là đội quân trang bị tối tân, có máy bay, xe tăng, đại bác, được huấn luyện đánh giết chuyên nghiệp. Những cuộc hành quân Hoa tuy líp, Mưa phùn, Xe lội nước, Lạc đà, Cá măng, Chim hải âu... lần lượt bị đập tan. Trận Xốp Hào ghi nhận thắng lợi của chiến thuật lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, một đặc điểm của chiến tranh nhân dân. Chiến lược miền Tây của Pháp thất bại tan tành.
Truyền thống miền Tây được chiến sĩ mang về Hải Phòng, nơi họ nhận nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ thành phố Cảng. Trong cuộc chiến đấu chống không quân và hải quân Mỹ leo thang phá hoại, nhiều chiến công hiển hách được tiếp tục ghi, và không chỉ ở miền Bắc. Năm 1968,trung đoàn dự các chiến dịch Cửa Việt, đường 9 Nam Lào, Tây Nguyên... Hòa bình thống nhất, họ tiếp tục truy quét FULRO ở Tây Nguyên, rồi lại đi trận ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Được Bác Hồ tặng cờ “Quyết chiến quyết thắng”, cán bộ chiến sĩ Tây tiến thấm nhuần câu của Người: “Chúng ta phải dùng tinh thần hăng hái của toàn dân để tìm cách giải quyết sự yếu kém về vật chất”.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áobào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Nói về bộ đội Tây tiến, hễ là người Hà Nội, không ai không nhớ đến những câu thơ của Quang Dũng. Đó là vóc dáng những anh hùng “bước chân vang mãi đến đời sau”.
Hòa bình về hẳn. Lính Tây tiến, trong đó nhiều người thuở nào là trai Hà Nội, năm nào cũng gặp mặt truyền thống. Tấm lòng tưởng nhớ được toại nguyện khi đài tưởng niệm liệt sĩTây tiến được xây dựng ở Châu Trang- Thượng Cốc - Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình vào năm 1990 bằng đóng góp của chính họ.Cứ 5 năm, một đầu sách viết về bộ đội Tây tiến xưa và nay ra đời. Từ chiếc nôi ấy đã lớn lên bao con người ưu tú, những tướng lĩnh thao lược, nhà khoa học uyên thâm, nhà văn hóa quảng bác. Và những con người bình thường, trầm lặng, ngày ngày đơm hoa tươi trái ngọt cho đời.
Người Hà Nội yêu kính và cảm phục Đoàn binh không mọc tóc. Kính lậy hương hồn các liệt sĩ Tây tiến đang yên nghỉ thanh thản.
Minh Nguyễn - Kiều Giang
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.