Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân

TS. Bùi Thế Đức| 11/05/2020 06:07

(HNM) - Khi bàn về công tác cán bộ, V.I.Lênin - Lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới đã nhận định: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng. Và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga”. Bởi vậy, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng ta đã xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chỉ rõ: “Công tác cán bộ qua thực tiễn ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt”.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước”. Tiếp đó nói về vị trí quan trọng của các chức danh trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Đây là đội ngũ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ”.

Sau khi đánh giá những điểm mạnh của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược hiện nay, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thẳng thắn nêu những hạn chế của đội ngũ này. Một minh chứng rất rõ ràng, cụ thể là chỉ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã có gần 100 cán bộ cấp chiến lược bị Trung ương xử lý kỷ luật, trong đó có cả cán bộ ủy viên Bộ Chính trị, một số ủy viên Trung ương và nguyên ủy viên Trung ương bị khởi tố hình sự.

Trước hết cần dự báo bối cảnh thế giới và trong nước thời điểm sẽ diễn ra Đại hội XIII của Đảng vào quý I-2021. Về tình hình quốc tế, bên cạnh xu thế lớn là hòa bình, hợp tác và phát triển thì có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại do hậu quả của đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới; cạnh tranh chiến lược và xung đột thương mại giữa một số nền kinh tế, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ có thể ngày càng gia tăng. Tình hình khu vực, Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, ở trong nước, bên cạnh những thành tựu toàn diện đạt được rất quan trọng hơn 4 năm qua của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng thì những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. 4 nguy cơ mà Đảng ta nêu ra từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994) vẫn luôn hiện hữu gồm: Chệch hướng xã hội chủ nghĩa; tụt hậu xa hơn về kinh tế; tệ tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Đến gần đây, lại xuất hiện một nguy cơ mới là nền kinh tế nước ta nếu không phát triển nhanh hơn, mạnh hơn sẽ rơi vào bẫy “thu nhập trung bình”.

Thêm vào đó, 4 vấn đề bức xúc đang nổi lên trong xã hội hiện nay, là: An toàn mạng, an toàn môi trường, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, chất lượng cuộc sống và sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Xuất phát từ tình hình trong Đảng và bối cảnh trong nước và quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu tiêu chuẩn ủy viên Trung ương khóa XIII cần phải đặc biệt chú trọng các vấn đề:

- Nhóm tiêu chuẩn thứ nhất, “có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước… nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa Nhóm tiêu chuẩn này lên đầu tiên là vô cùng quan trọng vì nó xuất phát từ thực tiễn cách mạng thế giới và trong nước. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ có nguyên nhân cực kỳ quan trọng là lựa chọn, bố trí sai M.Gooc-ba-chốp, người phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Cho nên tiêu chuẩn “tuyệt đối trung thành”, “bản lĩnh vững vàng”, “kiên định” là tiêu chuẩn “cốt tử” của người lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là lãnh đạo cao nhất trong các tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” giữ được môi trường hòa bình, ổn định để lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển theo lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

- Nhóm tiêu chuẩn thứ hai, “có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm… bản thân không tham nhũng, quan liêu cơ hội, vụ lợi… không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi… có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình…”.

Nhóm tiêu chuẩn thứ hai này giữ vai trò cực kỳ quan trọng, bởi vì trong điều kiện lịch sử mới, mở cửa và phát triển kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, luôn đứng trước những cám dỗ, đòi hỏi luôn phải rèn luyện, trau dồi đạo đức; phải cảnh giác, như “đi trên băng mỏng”, như “đứng dưới vực sâu” mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không lãnh đạo, hành động vì quyền lực, không bị ham muốn dụ dỗ và không bị vật chất đánh bại.

Nếu tinh thần nêu gương và liêm, chính không được thấm sâu tự giác thực hiện, khi ở vị trí cán bộ cấp chiến lược khó có thể tránh được sự tha hóa, như Nguyễn Bắc Son trong vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) gần đây là một minh chứng. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương cho cấp dưới. Vì vậy các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thật sự gương mẫu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu biểu cho trí tuệ và đạo đức của toàn Đảng sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đề ra.

- Nhóm tiêu chuẩn thứ ba, “có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới tại lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công… có “sản phẩm” cụ thể…”.

Nhóm tiêu chuẩn thứ ba này giữ vị trí hết sức quan trọng đối với cán bộ chiến lược trong bối cảnh hiện nay, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với sự phát triển của đất nước. Mặt khác cũng đòi hỏi người lãnh đạo “nói phải đi đôi với làm”, và phải có “sản phẩm” để khẳng định phẩm chất và năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu kiên quyết không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người có một trong các khuyết điểm sau: “1) Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu… 2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán… 3) Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị. 4) Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít… 5) Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc… 6) Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”.

Từ thực tiễn qua các kỳ đại hội, nếu để lọt những người đó là có “hại” cho Đảng, cho nước, cho dân nên quán triệt ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong quá trình chuẩn bị đại hội các cấp, nhất là Đại hội XIII của Đảng phải chuẩn bị thực sự khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng vì công tác nhân sự. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Khi chuẩn bị giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải có sự cân nhắc, đánh giá đúng, để tránh rơi vào tình trạng “cục bộ”, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm” hoặc “giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc” thì sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và mất niềm tin với nhân dân.

Từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng ta cũng như phong trào cách mạng thế giới, có thể thấy rõ cán bộ là khâu quyết định sự thành bại của cách mạng. Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định số 205-QĐ/TƯ về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền cũng xuất phát từ tình trạng công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó nổi lên tình trạng bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn, điều kiện, xảy ra ở một số nơi gây bức xúc trong Đảng và xã hội.

Thực tế đã và đang diễn ra trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất cách mạng, thực hiện liêm, chính, khách quan trong công tác cán bộ để góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ đưa đất nước ta ngày càng phát triển thì có những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thậm chí thao túng quyền lực trong công tác cán bộ, “chạy chức, chạy quyền”. Do vậy, những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” mang tính kịp thời, hết sức cần thiết để tạo sự thống nhất cao trong Đảng, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu trong quá trình chuẩn bị nhân sự để “xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh” lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.