Thuế nhập khẩu ôtô cũ tăng cao theo công thức tính hỗn hợp, có thể khiến giá xe cũ, xe
Trong đề xuất mà Bộ Tài chính trình Chính phủ mới đây, bên cạnh điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện ôtô về 0% còn thay đổi cả cách tính thuế nhập khẩu đối với ôtô cũ, theo chiều hướng tăng mạnh ở tất cả các dòng từ xe con, xe khách tới xe tải. Việc điều chỉnh này được cho là động thái nhằm hạn chế xe cũ nhập khẩu để kiểm soát chất lượng, mức độ ảnh hưởng môi trường và cao hơn là bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Thuế nhập khẩu xe cũ tăng mạnh
Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế hiện nay đang thấp hơn mức cam kết với WTO, cần nâng lên tương đương. Phương pháp tính mới áp dụng cho ôtô con (xe chở người dưới 9 chỗ) cụ thể như sau:
(Một số dòng xe khác trong cùng loại dung tích có thể áp dụng mức thuế mới là X +10.000 USD hay X+15.000 USD). |
Trong bảng trên, X là khoản thuế tính theo mức thuế suất của xe mới cùng chủng loại. Công thức 200% hoặc 150% + 10.000 USD lấy kết quả theo mức thấp nhất. Thực tế Bộ Tài chính đang áp dụng công thức 150% + 10.000 USD. Ở đây 150% được hiểu là 150% của mức thuế suất xe mới cùng loại, chứ không phải 150% của giá tính thuế xe cũ.
Với cách đánh thuế mới, xe cũ nhập khẩu sẽ bị độn giá lên nhiều so với hiện tại. Lấy ví dụ ở từng phân khúc để thấy sự khác biệt.
Ở phân khúc dưới 1 lít, giả sử chiếc Kia Morning cũ đời 2016 nhập khẩu Hàn Quốc có giá tính thuế là 5.000 USD, theo cách cũ giá sau thuế là 10.000 USD, nhưng theo cách mới giá sau thuế sẽ là 15.000 USD. Từ mức 15.000 USD này, cộng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 40%, thuế VAT 10%, mức giá đã là 23.100 USD, chưa tính lợi nhuận cùng các chi phí khác của công ty nhập khẩu, như vậy mức giá xe cũ gần như chắc chắn đắt hơn nhiều giá xe mới trên thị trường.
Ở phân khúc cao hơn, giả sử một showroom nhập chiếc Toyota Camry XLE 2016 động cơ 2,5 lít từ Mỹ, giá tính thuế được ấn định là 20.000 USD. Nếu Camry mới nhập khẩu từ Mỹ chịu thuế nhập khẩu 70%, nếu tính theo công thức cũ, mức thuế sẽ là 20.000x70%+5.000=19.000 USD.
Nhưng mức thuế theo công thức mới 150%+10.000 USD được tính là:
20.000 x 70% x 150% + 10.000 USD = 31.000 USD. Cao hơn rất nhiều con số 19.000 USD trước đó. Giá sau thuế nhập khẩu đã là 51.000 USD.
Bản XLE lắp động cơ 2,499 lít nên chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 50%, VAT 10%, như vậy cộng tiếp hai loại thuế này thì giá sau thuế sẽ thành 84.150 USD. Cộng thêm lợi nhuận và các chi phí khác của nhà nhập khẩu, giá xe có thể lên tới hơn 100.000 USD. Trong khi trước đó, mẫu xe kiểu này được các showroom trong nước bán ở ngưỡng 70.000-80.000 USD.
Với cách đánh thuế mới, giá xe cũ nhập khẩu sẽ đắt lên nhiều so với giá xe mới. Đặc biệt với xe sang, khoảng cách giá sẽ càng lớn, đây lại là đối tượng chính của xe cũ nhập khẩu.
Cửa nhập xe "lướt" đóng kín
Camry nhập "lướt" sẽ khó còn đường về Việt Nam. |
Theo các chuyên gia trong ngành, nếu đề xuất này thành hiện thực gần như ôtô cũ không còn đường về Việt Nam. Năm 2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20 quy định xe mới nhập về Việt Nam phải do các công ty hoặc đại lý chính hãng thực hiện. Các showroom bên ngoài lách quy định này bằng cách nhập về xe "lướt", tức đã qua sử dụng 6 tháng hoặc 10.000 km. Nhưng cũng chỉ có các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt mới trụ lại trên thị trường.
Hồi giữa 2016, Bộ Công Thương ra đề xuất doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cũ cũng phải có giấy xác nhận của hãng ở nước ngoài về việc chỉ định nhà nhập khẩu và thay mặt triệu hồi xe khi xảy ra lỗi. Quy định này mới, nhưng thực chất cũng có hiệu lực tương tự thông tư 20, thậm chí chặt chẽ hơn nhiều. Các showroom tư nhân đứng trước nguy cơ phá sản vì việc hãng ở nước ngoài cấp giấy chỉ định cho một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam gần như là không thể.
Đến nay, Bộ Tài chính lại thêm đề xuất tăng thuế nhập khẩu xe cũ. Giả sử một doanh nghiệp thỏa mãn được yêu cầu mới của Bộ Công Thương thì với mức thuế mới, giá mới cao "ngất ngưởng", việc tìm kiếm khách hàng còn khó khăn gấp nhiều lần.
"Không có khách hàng, chúng tôi chỉ có nước đóng cửa", giám đốc một showroom chuyên xe cũ tại Hà Nội thở dài ngao ngán.
Khi xe "lướt" bị bít cửa về Việt Nam, là cơ hội rõ ràng cho các hãng xe trong nước. Xe mới lắp ráp hoặc nhập khẩu chính hãng trở thành lựa chọn duy nhất của khách hàng, nếu không muốn mua lại xe đã sử dụng nhiều năm, qua một vài đời chủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.