(HNMO) - Chiều 7-9, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hội nghị thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Trung gian thanh toán phải báo cáo phòng, chống rửa tiền
Trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương, 63 điều, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.
Về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền, dự thảo sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng...); bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đồng thời, để bảo đảm quy định tại luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo luật bổ sung quy định giao Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động mới phát sinh là đối tượng báo cáo, bổ sung việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền.
Bổ sung quy định đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền theo kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành.
Bổ sung quy định về trách nhiệm đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và các biện pháp áp dụng tương ứng. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung yêu cầu xây dựng quy định nội bộ của các đối tượng báo cáo để bảo đảm phù hợp với các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) và phù hợp với loại hình, quy mô hoạt động của các đối tượng báo cáo như cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Dự thảo luật cũng sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán. Đồng thời, sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sửa đổi, bổ sung quy định về lưu trữ thông tin, hồ sơ báo cáo và bảo mật thông tin để phù hợp với pháp luật hiện hành có liên quan và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.
Báo cáo một số ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm hơn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các dữ liệu để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu tội phạm; nghiên cứu việc bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như mua, bán, cho thuê bất động sản, đổi tiền, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp...
Chống lợi dụng “tiền ảo” để rửa tiền
Thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, các ngân hàng phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành động rửa tiền; đầu tư cơ sở vật chất để cải thiện và nâng cấp hệ thống lưu giữ chứng từ; xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần, liên tục. Đồng thời, cần xây dựng Bộ nhận diện về hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Đối với vấn đề lợi dụng “tiền ảo” để rửa tiền tài trợ khủng bố, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) nêu rõ, mặc dù không được pháp luật công nhận nhưng hiện nay Việt Nam là một trong những thị trường chơi “tiền ảo” rất lớn, là một trong 10 nước tham gia đông. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
“Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm bảo đảm an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố”, đại biểu Dương Văn Phước nói.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị bổ sung các đối tượng báo cáo của Luật là những công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ mobile money; xác định rõ các định nghĩa về mối quan hệ về ngân hàng đại lý giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, quan hệ đối tác giữa các ngân hàng cũng như các khái niệm về công nghệ mới, khác với công nghệ đang sử dụng về phòng, chống rửa tiền; quy định về phong tỏa tài sản tạm thời với đối tượng bị tố giác gian lận để bảo đảm ngăn chặn tẩu tán tài sản.
Bày tỏ băn khoăn đối với quy định liên quan đến dấu hiệu đáng ngờ được quy định tại dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc kinh doanh bất động sản cần phải có một điều khoản giao cho Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với từng thời kỳ dấu hiệu đáng ngờ vì các dấu hiệu này sẽ ngày càng nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận có 7 đại biểu phát biểu ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo giải trình, báo cáo thẩm tra dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tới.
Cùng ngày, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Trong đó, một số ý kiến lưu ý vấn đề cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu, tránh cơ chế xin cho, bảo đảm chính sách đối với một số vùng, doanh nghiệp chính sách xã hội, việc phát triển mạng 5G; lưu ý độ an toàn phát sóng di động an toàn bức xạ điện tử…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.