Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất tăng lương tối thiểu: Mừng nhưng... chưa hết băn khoăn

Hồ Bách| 18/07/2015 06:35

(HNM) - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

Theo đó, lương tối thiểu các vùng dự kiến tăng 350.000 - 550.000 đồng mỗi mức (khoảng 16% so với mức hiện tại); lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 3.650.000 đồng; vùng 2 là 3.200.000 đồng; vùng 3 là 2.800.000 đồng và vùng 4 là 2.500.000 đồng. Trước thông tin này, người lao động (NLĐ) vui, nhưng cũng có không ít băn khoăn, lo lắng.

Việc tăng lương tối thiểu sẽ giúp người lao động có điều kiện cải thiện đời sống. Ảnh: Bá Hoạt


Cần thêm giải pháp cải thiện đời sống

Chị Nguyễn Thị Trang (30 tuổi, công nhân Công ty TNHH Seed - khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cùng các bạn rất vui mừng khi nhận thông tin về việc tăng lương tối thiểu. Tuy vậy, chị Trang vẫn băn khoăn, đi làm đã nhiều năm nhưng lương chị chỉ được 4,5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình với hai con nhỏ. Chị thường xuyên phải tìm việc làm thêm như phụ bán hàng để có thêm tiền. Biết rằng dù có được tăng lương theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cuộc sống của gia đình chị vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng "thêm được đồng nào cũng quý". Chị rất mong, bên cạnh việc tăng lương, Chính phủ có thêm giải pháp cải thiện đời sống CNLĐ.

Chung suy nghĩ như chị Trang, chị Đào Thị Hiền ở Công ty CP Kim khí Thăng Long cũng rất vui khi biết về đề xuất tăng lương của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chị cho biết, hiện tại với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, chị sống rất chật vật. Nếu một tháng đi làm 26 ngày, chị mới được hưởng đủ lương 3,5 triệu đồng/tháng. Làm việc xa nhà, tiền xăng và sửa chữa xe 1 triệu đồng mỗi tháng cũng chiếm phần lớn trong khoản thu nhập ít ỏi của chị. Hai con nhỏ đi học tiểu học, phải ăn bán trú ở trường nên hằng tháng chị phải đóng các khoản cho con là 2 triệu đồng. Chị Hiền rất mong, Chính phủ có phương pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đời sống NLĐ. Có vậy, việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa.

Đón nhận thông tin trên, Phó Giám đốc Công ty CP May Phù Đổng (Gia Lâm) Nguyễn Thị Thu Giang cho rằng, để giữ chân lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp rất muốn tăng lương. Hiện, công ty đang trả lương theo sản phẩm, trung bình khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng/người. Mức lương tối thiểu vùng chỉ dùng để tham chiếu, bù lương cho những lao động nghỉ ốm hoặc năng suất thấp, nhưng số này rất ít. Về lâu dài, công ty sẽ triển khai nhiều phương án như giảm chi phí trung gian, bồi dưỡng tay nghề, tổ chức lại sản xuất, tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ cao giúp công nhân nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Đây là cách giúp doanh nghiệp vừa cạnh tranh được bằng giá, tạo được nhiều việc làm, vừa bảo đảm đời sống NLĐ.

Mỗi năm, lương tối thiểu phải tăng khoảng 18%-19%

Về cơ sở tăng lương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được tính toán dựa trên chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 tăng khoảng 5%/năm, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm; năng suất lao động xã hội tăng từ 3-3,5%/năm. Mức tăng thêm này là hợp lý và phù hợp với mục tiêu thực hiện lộ trình của Chính phủ đến hết năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình. Để bảo đảm lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ vào năm 2018, những năm tới, mỗi năm lương tối thiểu phải tăng khoảng 18%-19%.

Theo dự kiến, cuối tháng 7, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp để quyết định mức lương tối thiểu vùng năm 2016 và tháng 10 sẽ trình Chính phủ về phương án tăng lương. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định, dù quyết phương án nào thì đã thành thông lệ, các chính sách, phương án đề ra luôn lưu tâm đến người thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Lần này, Chính phủ đã có nghị quyết, Công đoàn đóng vai trò quan trọng cùng Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện Nhà nước thỏa thuận, hiệp thương để công bố lương tối thiểu vùng năm 2016 tiến dần tới mức sống tối thiểu của NLĐ. Đây là mong ước, nhu cầu chính đáng của NLĐ. Đẩy nhanh tiến độ này sẽ giúp phát triển kinh tế xã hội, tăng năng suất lao động. Nhưng cũng phải cân đối hài hòa giữa hai yếu tố: Đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ được bảo đảm nhưng cũng phải "đủ" cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển mới đạt được đích cuối cùng là nâng cao mức sống của NLĐ và "sức khỏe" của doanh nghiệp. "Nếu chúng ta áp quá nhiều tiền lương vào giá thành sản phẩm thì sản phẩm không bán được thì doanh nghiệp không phát triển, nguy cơ mất việc làm và thất nghiệp của người lao động tăng lên" - ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, để chính sách tiền lương thực sự phát huy tác dụng, điều quan trọng không kém là cần thực hiện tốt công tác quản lý giá, điều tiết thị trường, tránh tình trạng "lương chưa tăng nhưng giá đã tăng" như lo ngại của NLĐ. Bởi rõ ràng giá lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống bình thường cũng như chi phí cho giáo dục, y tế là gánh nặng mà những người thu nhập thấp đang phải gánh chịu vì một tỷ lệ rất lớn thu nhập vốn đã ít ỏi của họ phải dành cho những khoản này.

Hiện tại, có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia nằm trong top 500 công ty lớn nhất thế giới, đầu tư vào Việt Nam đã hơn hai thập kỷ nay mà vẫn kêu lỗ và tuyên bố sẽ tiếp tục lỗ cả chục năm nữa, dù đã có kế hoạch mở rộng đầu tư lớn. Mấu chốt là họ giấu doanh thu, chi phí và lãi thực, hạ giá bán sản phẩm đầu ra (thậm chí với giá thấp hơn giá thành sản xuất) cho một công ty liên kết, chịu lỗ hình thức kéo dài để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong trường hợp này, không có doanh nghiệp nào trả lương cao, nâng cao điều kiện làm việc cho NLĐ khi về danh nghĩa họ đang lỗ, vì hai yếu tố này luôn tỷ lệ thuận với nhau. Bởi vậy rất cần sự vào cuộc của cơ quan thuế, sự phối hợp của Công đoàn trong thanh kiểm tra, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc nhằm tăng lương, bảo đảm các chế độ phúc lợi, cải thiện điều kiện sống cho NLĐ tại doanh nghiệp. Có sự phối hợp kịp thời từ nhiều bên liên quan, vấn đề cải thiện đời sống NLĐ chắc chắn sẽ được thúc đẩy hiệu quả.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tăng lương tối thiểu: Mừng nhưng... chưa hết băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.