Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề: Băn khoăn tính khả thi

Minh Khang| 28/01/2019 07:41

(HNM) - Một trong những đề xuất liên quan đến dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang thu hút nhiều ý kiến từ dư luận những ngày qua là việc sau khi sinh viên tốt nghiệp sư phạm, nếu muốn đi dạy học thì phải được cấp chứng chỉ hành nghề.


Đề xuất này do ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam trình bày tại hội thảo góp ý các nội dung về chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 10-1 vừa qua. Theo ông Lê Quán Tần, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo đã được áp dụng ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Liên hệ thực tiễn, ông Lê Quán Tần cho rằng, đây là giải pháp quan trọng góp phần chấn chỉnh những sai phạm về chuyên môn, đạo đức nhà giáo như đã từng xảy ra thời gian qua.

Ý kiến này đã thu hút sự quan tâm từ nhiều phía. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Bằng tốt nghiệp sư phạm là chứng chỉ xác nhận kết quả quá trình đào tạo, thực tập của sinh viên, cũng là minh chứng thể hiện sinh viên có đủ điều kiện giảng dạy hay không. Vì vậy, không cần thiết ban hành thêm quy định nhà giáo phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Điều quan trọng cần quan tâm thời điểm này là khâu đào tạo sinh viên sư phạm cần theo hướng siết chặt “đầu ra”; coi trọng cả đào tạo chuyên môn và đào tạo kỹ năng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp cho những người sẽ đảm nhận trọng trách “trồng người”.

Ghi nhận tại các nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, có khá nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn cho rằng, những người làm nghề giáo đã được đào tạo, được cấp bằng sư phạm, đã đứng lớp dạy học, được quản lý cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, vậy có cần thiết phải cấp chứng chỉ mới được hành nghề? Liệu rằng quy định này có phát sinh những thủ tục phiền hà, tiêu cực trong quá trình cấp chứng chỉ hay không?

Xác định việc kiểm soát chất lượng giảng dạy và tư cách đạo đức nghề nghiệp là cần thiết, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, nếu không thực hiện được việc cấp chứng chỉ hành nghề thì vẫn cần có cách để đánh giá định kỳ về năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức nhà giáo một cách thực chất, tránh tình trạng được tuyển dụng vào biên chế là yên vị, ít quan tâm đến việc trau dồi bản thân.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sử dụng một năm thực tập của sinh viên sư phạm trước khi ra trường để đánh giá toàn diện về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức. Những người chưa đạt yêu cầu sẽ phải kéo dài thời gian đào tạo và thực tập, đến khi đạt đủ các tố chất của nghề mới được cấp bằng đào tạo sư phạm. Còn theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm), đội ngũ giáo viên hiện nay có khá nhiều áp lực, vì vậy trước khi đặt ra quy định nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề, nên xem xét kỹ và toàn diện các khía cạnh để vừa khích lệ nhà giáo phấn đấu, vừa giảm nguy cơ phát sinh tiêu cực.

Cấp chứng chỉ hành nghề được coi là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - vấn đề đang được dư luận quan tâm, nhất là trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện. Tuy nhiên, nhà giáo sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề như thế nào? Dựa vào tiêu chuẩn ra sao để được cấp chứng chỉ? Đơn vị nào cấp? Quy trình quản lý giấy chứng chỉ thế nào?... là những câu hỏi cần được giải đáp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề: Băn khoăn tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.