Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống ngân hàng.
Dự thảo này khi được ban hành sẽ thay thế Nghị định 81/1998/NĐ-CP ngày 1/10/1998 về in, đúc, bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy tiền giấy, tiền kim loại; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống ngân hàng và Nghị định 87/1998/NĐ-CP ngày 31/10/1998 về phát hành, thu hồi và thay thế tiền giấy, tiền kim loại.
Quy định cụ thể về thiết kế mẫu in tiền
Dự thảo nêu rõ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước căn cứ dự báo nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế, nhu cầu tiền dự trữ phát hành, nhu cầu thay thế tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông hàng năm để quyết định cơ cấu, số lượng, giá trị tiền đang lưu hành cần in, đúc thêm.
So với Nghị định 81 và 87 thì tại Điều 6 dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm quy định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc cài đặt các yếu tố bảo an nhằm tăng cường khả năng chống giả.
Lý giải điều này, cơ quan soạn thảo cho biết, hiện nay, quy định về việc cài đặt các yếu tố bảo an là do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế thi hành, quy định này chưa tạo được tính chủ động cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong các tác nghiệp cụ thể như quy định việc cài đặt ban đầu hoặc cài đặt bổ sung các yếu tố bảo an nhằm gia tăng tính bảo an cho đồng tiền đang lưu hành khi cần thiết. Bên cạnh đó, việc cài đặt các yếu tố bảo an là công việc mang tính kỹ thuật, là hoạt động tác nghiệp cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh việc cài đặt các yếu tố bảo an, dự thảo cũng bổ sung thêm quy định về việc thiết kế mẫu tiền phải bảo đảm có tính thẩm mỹ cao, thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời dễ nhận biết để cán bộ ngân hàng và người dân đều có thể nhận biết được tính xác thực của đồng tiền, bên cạnh đó phải phù hợp với xu hướng thiết kế mẫu tiền trên thế giới, bảo đảm độ bền (chất liệu, mực in...), có khả năng chống giả cao, thuận tiện cho việc xử lý tiền khi ứng dụng các máy móc xử lý tiền, giảm dần lao động thủ công, từng bước cơ giới hóa, tự động hóa công tác xử lý tiền mặt.
Tăng cường trách nhiệm của các cơ sở in, đúc tiền
Dự thảo quy định, Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc tiền và thực hiện theo hợp đồng với các cơ sở in, đúc tiền.
Nhằm gắn trách nhiệm của các cơ sở in, đúc tiền với chất lượng tiền thành phẩm giao cho Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm sản phẩm tiền có chất lượng cao, dự thảo cũng đã bổ sung thêm quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ sở in, đúc tiền như: Bảo đảm chất lượng tiền in, đúc ổn định theo các thông số kỹ thuật của mỗi loại tiền; tổ chức nghiên cứu, cải tiến công nghệ chế bản, công nghệ in, đúc tiền và hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Cũng nhằm đảm bảo chất lượng tiền trong lưu thông, dự thảo quy định Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm trong việc tổ chức tuyển chọn, phân loại, xử lý tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc làm rõ quy định này là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc nêu cao trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trong việc bảo đảm chất lượng tiền trong lưu thông, làm cơ sở để Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị liên quan.
Cung ứng dịch vụ ngân quỹ thông qua việc thu, chi tiền cho chủ tài khoản
Về phát hành tiền, dự thảo nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện phát hành tiền vào lưu thông và thu tiền từ lưu thông về thông qua hoạt động thu, chi và các hoạt động nghiệp vụ khác của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng được thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ thông qua việc thu, chi tiền cho chủ tài khoản, bảo quản, vận chuyển, kiểm đếm, phân loại và xử lý tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một trong những nội dung mới được bổ sung trong dự thảo.
Sở dĩ cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định này là do thực tế trung bình từ năm 2005 – năm 2006, tiền trong lưu thông quay vòng hơn 3 lần/năm qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, số lượng tiền mặt Ngân hàng Nhà nước phải kiểm đếm, phân loại ngày càng tăng lên theo quy mô của nền kinh tế (qua thống kê sơ bộ từ năm 2005-2010 cho thấy tốc độ tăng tiền mặt trung bình hàng năm là khoảng 18- 20,8%/năm).
Bên cạnh đó, số lượng tổ chức tín dụng, chi nhánh, hội sở của các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước phải đáp ứng yêu cầu tiền mặt tăng nhanh những năm gần đây (trên địa bàn Hà Nội hiện nay có hơn 100 đầu mối chi nhánh tổ chức tín dụng, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 200 đầu mối chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn). Trong đó, vấn đề nổi cộm là tất cả các chi nhánh cấp I của các tổ chức tín dụng đều được gửi, rút tiền mặt tại các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh vào bất kỳ lúc nào và có thể thực hiện cả gửi và rút nhiều lần trong ngày làm việc. Điều đó tạo nên sức ép ngày càng lớn đối với công tác ngân quỹ của Ngân hàng Nhà nước và cho thấy sự bất cập, thiếu hiệu quả trong việc quản lý và cung ứng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Từ các lý do trên, dự thảo đã bổ sung quy định Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng được thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ thông qua việc thu, chi tiền cho chủ tài khoản, bảo quản, vận chuyển, kiểm đếm, phân loại và xử lý tiền. Quy định này sẽ đảm bảo hiệu quả trong việc quản lý, cung ứng tiền mặt, đảm bảo chất lượng đồng tiền trong lưu thông, tạo cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước quy định tổ chức tín dụng nào được phép giao dịch tiền mặt với Ngân hàng Nhà nước, nhằm giảm áp lực cho Ngân hàng Nhà nước về giao dịch tiền mặt từ đó thúc đẩy các tổ chức tín dụng có kế hoạch giao dịch tiền mặt; đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ ngân quỹ cho các tổ chức tín dụng khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.