Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Mai Hữu| 18/04/2022 17:38

(HNMO) - Chiều 18-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình.

Đề xuất không tổ chức thanh tra cấp huyện

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều, kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện; thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và Thanh tra sở.

Theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì có 3 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch; thanh tra thường xuyên; thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Dự thảo luật quy định trình tự, thủ tục, các bước tiến hành hoạt động thanh tra áp dụng chung cho cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, dự thảo luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thống nhất chuyển nội dung thanh tra nhân dân sang dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng và trình Quốc hội thông qua cùng với Dự án Luật thanh tra (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Báo cáo thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng tán thành việc lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên trong dự thảo luật vì cho rằng thực chất của thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, nên nếu duy trì hình thức thanh tra này là không đúng với tính chất của hoạt động thanh tra.

“Việc bỏ hình thức thanh tra thường xuyên sẽ góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Về quy định trình tự, thủ tục, các bước tiến hành hoạt động thanh tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị nghiên cứu phân định rõ, không quy định chung một quy trình, thủ tục như nhau cho cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành bởi hai hoạt động này có sự khác biệt về tính chất, mục đích, đối tượng thanh tra, chủ thể thanh tra, về yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đối với chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động thanh tra…

Quang cảnh phiên họp.

Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp

Thảo luận về dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, để giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước phải có sự phối hợp từ khâu lập kế hoạch, trong trường hợp cần thiết, thanh tra và kiểm toán cùng phối hợp, nếu đối tượng nặng về thanh tra thì thanh tra chủ trì, nặng về kiểm toán thì kiểm toán chủ trì.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành thanh tra để giảm bớt thời gian, tăng cường hiệu quả hoạt động và bảo đảm công khai, minh bạch công tác thanh tra.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng hình thức thanh tra thường xuyên cũng chính là thanh tra theo kế hoạch, do đó đồng tình với việc lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Bên cạnh đó, cần làm rõ việc quy trình, thủ tục như nhau cho cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành bởi mỗi ngành, lĩnh vực có những đặc thù riêng, cấp độ và phạm vi quy mô thanh tra không giống nhau nên khó có thể áp dụng một thủ tục chung.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần rà soát kỹ để phạm vi điều chỉnh và tổ chức hoạt động thanh tra không xảy ra chồng chéo, trùng lặp với các lĩnh vực khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng không nên bỏ thanh tra cấp huyện bởi đây là cơ quan thay mặt nhà nước thanh tra việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương…

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần tăng cường năng lực thanh tra cấp huyện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Cho ý kiến về dự thảo luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải, đưa ra lập luận về việc tiếp tục giữ ba cấp thanh tra như dự thảo luật quy định để Quốc hội xem xét, quyết định.

Cho rằng hoạt động thanh tra thường xuyên chính là hình thức kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng chí Vương Đình Huệ cơ bản tán thành với việc lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên.

Về quy định trình tự, thủ tục, các bước tiến hành hoạt động thanh tra, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cần quy định khung chung cho thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhưng mỗi loại hình lại có quy định đặc điểm riêng, do đó cần quy định cụ thể vấn đề này.

Đối với quy định kết luận thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung phát hiện sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, từ đó kiến nghị đề xuất để khắc phục những sơ hở, bất cập đó.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định chức năng phòng, chống tiêu cực cho ngành Thanh tra trong dự thảo luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất sau khi được tiếp thu, hoàn thiện, dự án luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.