(HNM) - Tại cuộc họp tổng kết ngành mới đây, đại diện của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho phép các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ di động được kéo dài đầu số 09xxxxxxxx để phát triển thuê bao. Với đề nghị này, ngay sau đó đã được lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết sẽ tiếp thu giao cho đơn vị tham mưu nghiên cứu, đề xuất, nếu khả thi...
Lợi nhà mạng, khó khách hàng
Việc kéo dài đầu số di động sẽ gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ đồng thời cũng làm khó cho nhà mạng trong khâu quản lý. Ảnh: Thu Giang
Giải thích cho lý do xin kéo dài đầu số của mình, vị lãnh đạo Viettel cho biết, việc kéo dài đầu số 09x giúp Viettel và các DN khác có thêm số để phát triển các thuê bao, nhất là khi dịch vụ 3G với nhiều tiện ích sẽ thu hút khách hàng sử dụng. Đây không phải lần đầu tiên Viettel đề nghị kéo dài đầu số 09x từ 10 số lên 11 số, hơn 3 năm trước nhà mạng này đã đề xuất phương án xin Bộ cho phép kéo dài đầu số. Tuy nhiên, đề xuất này bị dư luận phản đối và lúc đó Bộ Bưu chính - Viễn thông (tên gọi trước của Bộ TT-TT) đã chọn phương án cấp thêm đầu số, mà không kéo dài đầu số. Ước tính, nếu kéo dài thêm các đầu số 09x, kho số sẽ có thêm gần 200 triệu sim.
Ngay sau khi có thông tin này, dư luận khách hàng đã bày tỏ sự phản đối. Nhiều ý kiến tỏ rõ quan điểm, lựa chọn phương án kéo dài đầu số là cách làm "đẩy" khó cho khách hàng? Vì không giống như đầu số cố định chỉ có từ 6-7 số, sau khi đổi số như hiện nay độ dài mới là 7-8 chữ số, nhìn chung là dễ nhớ và không quá khó khăn cho khách hàng. Hơn nữa, do nhu cầu cộng với các yếu tố khác như tiện lợi, giá cước… khách hàng ngày càng sử dụng di động nhiều hơn số cố định, do vậy nếu thực hiện đổi số di động thì mức độ gây phiền toái cho khách hàng lớn hơn rất nhiều so với đổi số cố định. Bên cạnh đó, số di động hiện được coi là tài sản cá nhân lưu giữ nhiều mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, kinh doanh và nếu thay đổi khách hàng sẽ lại phải mất thời gian để làm quen với các dữ liệu mới. Nhiều khách hàng thì bày tỏ sự bức xúc khi cho biết, họ phải bỏ tiền lên tới hàng chục triệu đồng, thậm chí tới trăm triệu đồng để mua sim đẹp, nếu Bộ TT-TT thông qua phương án kéo dài đầu số thì những chiếc sim của họ sẽ mất giá trị. Thực tế, các nhà mạng đã tổ chức đấu giá sim đẹp để gây quỹ hoặc ủng hộ từ thiện, số tiền thu được từ việc bán sim đẹp còn lên tới số tiền tỷ đồng. Chính nhà cung cấp Viettel có hẳn chương trình kinh doanh sim số đẹp với các mức giá theo quy định của họ. Vậy, khi đề xuất kéo dài dãy số, không rõ họ đã có ý tưởng "hoàn tiền" cho khách hàng đã mua sim đẹp trước đó?!
Hệ lụy?Theo số liệu của Bộ TT-TT, hết năm 2009 cả nước có 111 triệu thuê bao di động, trong đó các nhà mạng phát triển mới hơn 40 triệu thuê bao. Trong đó, Viettel phát triển mới 16 triệu, Mobifone và Vinaphone mỗi mạng có thêm hơn 10 triệu thuê bao... Tuy nhiên, trong kế hoạch năm 2010, cả 3 "đại gia" đều đặt chỉ tiêu phát triển mới giảm đi một nửa so với con số của năm 2009. Phân tích về xu hướng này, ông Phạm Ngọc Tú, Phó phòng Kinh doanh Công ty Vinaphone cho biết, thị trường viễn thông di động năm 2010 dự đoán là dần đi vào bão hòa và khả năng ngày càng ít thuê bao mới dùng di động. Hơn nữa, các nhà mạng sẽ không thực hiện chương trình tặng tiền cho thuê bao kích hoạt mới để phát triển ồ ạt như trước đây, bởi làm như vậy các DN cũng chịu thiệt hại như giảm lợi nhuận. Thêm vào đó, Bộ TT-TT cũng chuẩn bị ban hành quy định hạn chế việc khuyến mãi kiểu này… Đó là những lý do mà các nhà mạng năm nay chủ yếu đặt mục tiêu "giữ chân" khách hàng, thay vì đưa ra các "chiêu" khuyến mãi hút thuê bao như trước đây. Như vậy, căn cứ theo số thuê bao mà 3 nhà cung cấp dịch vụ chủ chốt trên thị trường đặt kế hoạch phát triển mới và các phân tích của chuyên gia thị trường di động, khó có khả năng "bùng nổ" về thuê bao như trước đó. Nếu Bộ cho phép kéo dài đầu số, các nhà mạng sẽ có gần 200 triệu sim nữa, không rõ lúc đó những chiếc sim mới này sẽ lại trôi nổi như thế nào?