(HNMO) - Ngày 4-10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý về nhiều nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tuổi nghỉ hưu; giờ làm thêm; lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới...
Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ủng hộ việc giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ trong một tuần xuống 44 giờ trong một tuần, bởi Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới. Cùng đó, cần thiết tăng thêm ít nhất 3 ngày nghỉ trong năm, giúp người lao động có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình.
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt lại đề xuất giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần như hiện nay. Vì giảm giờ làm việc bình thường như dự thảo luật sẽ tăng khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng đó, về giờ làm thêm (Điều 107), nên bỏ quy định về trần số giờ làm thêm trong tháng, tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong năm từ 300 giờ/năm lên thành 400 giờ/năm, vì đặc thù lao động ngành dệt may thường phải sản xuất theo đơn đặt hàng, có những đơn đặt hàng yêu cầu thời hạn rất ngắn...
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, không doanh nghiệp nào muốn người lao động làm thêm giờ vì năng suất lao động thấp đi và đề xuất giữ nguyên như hiện hành.
Phân tích cụ thể, đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, nếu tăng giờ làm thêm đồng nghĩa với tăng lương và tăng các khoản đóng góp bảo hiểm, chế độ cho người lao động. Điều này sẽ khó cho doanh nghiệp và khó cho cơ quan bảo hiểm, bởi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Góp ý vào nội dung tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến đồng tình với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng phải xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Đặc biệt là phải cân nhắc đến các đối tượng lao động trong các nghề đặc thù: Công nhân, giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật…
Bên cạnh đó, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành của Bộ luật Lao động về không cho phép sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 làm thêm để bảo đảm an toàn sức khỏe người mẹ và thai nhi.
Phát biểu kết luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai khẳng định, 15 ý kiến tại hội nghị sẽ được tiếp thu để báo cáo góp phần hoàn thiện dự thảo bộ luật này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.