(HNMO) - Chiều 5/5, Sở KH&CN đã tổ chức họp, báo cáo UBND TP về tình trạng sức khoẻ và quá trình chăm sóc Rùa Hồ Gươm. Theo đó, từ ngày 22/4 đến nay, Tổ công tác trực vận hành máy móc, thiết bị thường xuyên vận hành hệ thống phun, bơm lọc nước tuần hoàn để trao đổi không khí và cung thêm ôxy cho Rùa với thời lượng khoảng 2h/ ngày.
Các vết thương đang lên da non và tình trạng nấm trên Rùa về cơ bản đã hết |
Ngày 27/4 đã tiến hành thay nước và vệ sinh bể chăm sóc.
Ngày 28/4, Tổ công tác trực vận hành máy móc tiến hành bơm nước vào bể chăm sóc thông qua hệ thống lọc. Tỷ lệ nước được bơm vào bể chăm sóc đảm bảo các thông số quy định là 3 phần nước máy sinh hoạt và 7 phần nước hồ Gươm thông qua hệ thống lọc.
Ngày 29/4, Tổ chữa trị đã tiến hành bôi thuốc cho Rùa trước khi đưa vào bể chăm sóc. Kết hợp với việc lấy mẫu để xác định tình trạng các vết thương và cách điều trị cuối cùng trước khi đưa Rùa về môi trường tự nhiên. Theo báo cáo, hiện tại vết thương trên mai Rùa đang lên da non và còn hơi rỉ máu. Tình trạng nấm trên Rùa về cơ bản đã hết.
Theo ông Lê Xuân Rao, GĐ Sở KH&CN, việc chữa trị cho Rùa nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có liên quan như Sở NN&PTNT, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1, Trung tâm Chẩn đoán thú y TƯ, Viện Công nghệ Sinh học - Viện KH&CN Việt Nam tình trạng sức khoẻ Rùa hồ Gươm tốt hơn so với lúc bắt đầu chữa trị. Những vết thương trên mai, trên cổ, chân và diềm mai đều dần lành trở lại. Việc dùng thuốc điều trị có hiệu quả. Cũng theo ông Rao, thức ăn hàng ngày của Rùa là cá trôi.
Nhân dịp này, Sở KH&CN đã đề xuất giải pháp gắn thiết bị theo dõi Rùa Hồ Gươm khi thả Rùa về môi trường tự nhiên trong hồ; Tổ chức Hội thảo khoa học về giải pháp bảo đảm môi trường sống của Rùa.
Trước mắt, trong quá trình điều trị, Sở KH&CN đã đề xuất từ nay đến ngày 8/5 sẽ tiến hành làm mái che nắng có cửa cơ động thuận lợi cho cẩu đưa Rùa từ bể ra hồ và ngược lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.