Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất dự trữ thuốc giải độc: Hơn 2,5 năm vẫn… “trên giấy”

Thu Trang| 25/05/2023 17:26

(HNMO) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, 19h ngày 24-5, 6 lọ thuốc hiếm sử dụng để giải độc Botulinum mới về đến Việt Nam, thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ. Thế nhưng, sau hơn 10 ngày chờ đợi, 1 bệnh nhân đã tử vong; 2 người khác đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải. Không phải đến bây giờ, mà từ vụ ngộ độc Botulinum do ăn pate chay xảy ra cách đây hơn 2,5 năm, nhu cầu về thuốc giải độc BAT đã được đặt ra nhưng đến nay, ngành Y tế vẫn cứ “loay hoay”.

Mỗi vụ ngộ độc, lại “khốn khổ” tìm thuốc

Vào tháng 8-2020, sau khi sử dụng 2 lọ thuốc giải độc được chuyển từ kho dự trữ chiến lược quốc gia của Thái Lan để cứu hai bệnh nhân ngộ độc Botulinum do sử dụng pate Minh Chay, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã đưa ra đề nghị, Việt Nam cần có kho thuốc dự trữ như vậy để bảo vệ sức khỏe toàn dân. Để cơ chế được bền vững thì thuốc cần được bảo hiểm y tế chi trả.

Thế nhưng, sau hơn 2,5 năm diễn ra sự việc trên, đề xuất này vẫn ở “trên giấy”, nước ta chưa có kho dự trữ thuốc hiếm quốc gia. Và để cứu 3 bệnh nhân (trong chùm ca bệnh 10 người nhập viện do ăn cá ủ muối chua vào tháng 3-2023) được chỉ định dùng thuốc BAT giải độc tố Botulinum, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) đã phải dùng 2 lọ thuốc hiếm dự trữ cuối cùng. Từ thời điểm đó đến nay, trên cả nước không còn loại thuốc này.

Lọ thuốc giải độc BAT.

Để đến giữa tháng 5-2023, lại có thêm 6 bệnh nhân ngộ độc Botulinum do ăn chả lụa và mắm ủ lâu ngày trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng mòn mỏi chờ thuốc giải độc. Kết quả, khi thuốc giải đã về đến Việt Nam, người đàn ông 45 tuổi ngộ độc Botulinum điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong sau hơn 10 ngày chờ đợi. 2 người khác điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc và hiện đã liệt cơ hoàn toàn, đang được nuôi dưỡng, thở máy, chăm sóc tích cực.

Trong khi theo các chuyên gia y tế, nếu có thuốc giải độc BAT, chỉ trong vòng 48-72 tiếng đồng hồ, bệnh nhân sẽ thoát khỏi tình trạng bị liệt, không phải thở máy. Còn nếu đã thở máy 1-2 ngày thì chỉ cần có thuốc từ 5-7 ngày, bệnh nhân có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu và sớm hồi phục, trở lại cuộc sống thường ngày.

“Thuốc giải độc này nên được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định, giúp giảm nhẹ, rút ngắn thời gian thở máy, thời gian nằm viện và cải thiện tỷ lệ tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý.

Trở lại sự việc, cách đây hơn 2,5 năm, Trung tâm Chống độc đã đề xuất cần có kho dự trữ thuốc giải độc Botulinum quốc gia để tránh tình trạng chậm trễ trong điều trị. Vậy vì sao đến nay, thuốc BAT vẫn khan hiếm ở nước ta và mỗi khi có bệnh nhân, ngành Y tế lại “khốn khổ” tìm nguồn cung cấp?

Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho rằng, ngộ độc Botulinum rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Từ năm 2020 đến nay, nước ta xuất hiện rải rác một vài ca bệnh/năm, gần đây có 3 ca tại thành phố Hồ Chí Minh. Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc BAT trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó, giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, tình trạng ngộ độc Botulinum không quá hiếm gặp. Ngay cả ở Mỹ, hằng năm vẫn có khoảng 150-300 ca ngộ độc Botulinum.

Còn tại Việt Nam, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm gây ngộ độc Botulinum phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm.

Trong khi đó, nguồn thực phẩm được sản xuất thủ công theo hộ gia đình lại được đa số người tiêu dùng nước ta sử dụng. Thêm vào đó, khả năng chẩn đoán ngộ độc Botulinum trước đây còn hạn chế. Tuy nhiên, từ vụ ngộ độc pate chay vào năm 2020 cho đến nay, việc chẩn đoán độc tố này tại các cơ sở y tế đã được lưu tâm hơn. Do đó, không loại trừ sẽ phát sinh thêm các ca ngộ độc Botulinum trong thời gian tới.

Sinh mạng con người không thể đợi quy trình

Từ vụ ngộ độc Botulinum do pate chay vào năm 2020, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều chuyên gia đã liên tục có ý kiến về việc cần có trung tâm dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia nhằm ứng phó trong tình huống phát sinh ca ngộ độc.

“Không riêng thuốc giải độc Botulinum, tình trạng khan hiếm đã xảy ra với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng nọc rắn độc cắn… Chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần phải thành lập trung tâm dự trữ quốc gia. Sau đó, đưa các loại thuốc, vắc xin cần thiết vào trong danh mục dự trữ quốc gia để chủ động hơn trong các tình huống cấp bách”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Trẻ bị ngộ độc Botulinum điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh.

Thuốc giải độc BAT có giá rất đắt, lên đến 8.000 USD/lọ. Do đó, nếu dự trữ thuốc mà không dùng đến sẽ gây lãng phí. Về vấn đề này, theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, khi đã đưa thuốc vào danh sách dự trữ quốc gia, các chuyên gia sẽ phải dự trù số lượng thuốc trên dân số, trong khoảng thời gian nhất định. Thêm vào đó, có thể đàm phán về giá, chủ động số lượng theo nguồn ngân sách. Hơn nữa, khi bệnh nhân phải thở máy, chi phí điều trị sẽ cao hơn nhiều lần so với mua thuốc.

“Dự trù ứng phó với thiên tai, thảm họa, bệnh tật, có tốn tiền cũng phải làm để kịp thời cứu tính mạng người dân. Vì vậy, nên có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia đặt ở 2 trung tâm lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sinh mạng con người không thể đợi quy trình”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cũng từng đề xuất lập trung tâm thuốc hiếm đặt ở các bệnh viện lớn ở từng khu vực Bắc - Trung - Nam để khi cần thì điều chuyển. Thuốc chống độc, thuốc hiếm thì mua ít, mà mua ít thì không ai bán, do đó, phải quản lý và đàm phán ở cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất dự trữ thuốc giải độc: Hơn 2,5 năm vẫn… “trên giấy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.