(HNM) - Bán đảo Triều Tiên những ngày đầu năm 2010 lại
Đây là lần đầu tiên kể từ sau chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng 12-2009 của Đặc phái viên Mỹ Xtêphen Bôxơuốt, Triều Tiên tuyên bố chính thức lập trường của mình. Song với điều kiện chỉ khi tất cả các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên được dỡ bỏ, đề xuất trên của Bình Nhưỡng đã không dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ phía Mỹ và Hàn Quốc - hai đối tác không thể thiếu trong tiến trình đàm phán sáu bên cũng như đàm phán về hiệp ước hòa bình giữa hai miền Triều Tiên.
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra dọc hàng rào quân sự gần khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên ở Paju sáng 12-1. Ảnh: Reuters |
Đây không phải lần đầu tiên mà từ lâu Triều Tiên bảo lưu quan điểm: không thể khởi động tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai miền Triều Tiên cũng như sáu bên khi các lệnh trừng phạt áp đặt với Bình Nhưỡng chưa được dỡ bỏ. Điều này đã được Bình Nhưỡng khẳng định trong chuyến thăm Triều Tiên tháng 12-2009 của Đặc phái viên Mỹ Xtêphen Bôxơuốt. Với mong muốn sẵn sàng nối lại các cuộc tiếp xúc và đàm phán trực tiếp với Oasinhtơn để giải quyết các vấn đề tồn tại, Triều Tiên cho rằng, Mỹ là nút thắt khó cởi nhất để tiến tới ký kết một hiệp định hòa bình thay thế hiệp định đình chiến và chỉ khi hiệp định hòa bình được ký kết thì mọi vấn đề mới được giải quyết.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 bằng hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình nên thực chất bán đảo Triều Tiên trong hơn nửa thế kỷ qua vẫn luôn trong tình trạng chiến tranh. Điều này giải thích vì sao Triều Tiên luôn tìm kiếm các biện pháp tự vệ trước sự lo ngại một cuộc chiến có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đang tạo ra những nguy cơ khó lường nên không được thế giới hoan nghênh.
Thực tế cho thấy, việc cải thiện quan hệ liên Triều cũng như đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, đặc biệt với quốc gia láng giềng Hàn Quốc. Đây cũng là một trong những ưu tiên trong chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc năm 2010 này. Với mong muốn, "mở ra chương mới" trong quan hệ giữa hai miền trong năm 2010, Tổng thống Li Miêng Pắc mới đây đã đề nghị thành lập một tổ chức phụ trách đối thoại thường xuyên giữa hai miền; đồng thời khẳng định phi hạt nhân hóa Triều Tiên là nền tảng cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
Song những phản ứng mới nhất của Hàn Quốc về đề xuất trên của Triều Tiên lại không hẳn như mong muốn. Với thái độ "không bên nào chịu bên nào", Hàn Quốc không hoan nghênh đề xuất trên của Triều Tiên khi cho rằng, cần phải đạt được tiến bộ trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nối lại đàm phán sáu bên trước khi Xơun và Bình Nhưỡng thảo luận một hiệp ước hòa bình.
Cùng với Hàn Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philíp Craoli tuyên bố, Triều Tiên phải quay trở lại các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân trước khi Oasinhtơn thảo luận về đề nghị tiến hành đàm phán hiệp ước hòa bình thay thế hiệp định đình chiến. Tuyên bố trên một lần nữa cho thấy thái độ cứng rắn của Mỹ trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Rõ ràng tuyên bố của Bình Nhưỡng đã mở ra hy vọng khôi phục tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ hai miền. Tuy nhiên, hy vọng đó còn quá mong manh trong bối cảnh các bên luôn bảo lưu quan điểm của mình. Điều đó cho thấy, quá trình chấm dứt chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Triều Tiên cũng như thúc đẩy quan hệ liên Triều vẫn là một lộ trình khó khăn và lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.