Thiếu cơ chế quản lý đang gây ra khó khăn cho hoạt động quản lý Nhà nước đối với các quỹ, làm hạn chế tính đầy đủ, chính xác, minh bạch.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có hơn 70 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, do Trung ương và địa phương thành lập. Trong đó, có nhiều quỹ được Ngân sách Nhà nước cấp vốn thành lập ban đầu, gọi là “vốn mồi” hoặc cấp bổ sung vốn điều lệ trong năm.
Xét về quy mô, chỉ có một số quỹ tài chính ở Trung ương có nguồn thu, nhiệm vụ chi lớn, còn lại chủ yếu là các quỹ có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp trong một số lĩnh vực hoặc một số địa phương.
Hiện cả nước hiện có hơn 70 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.(Ảnh minh họa: KT) |
Quỹ đã huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội và người lao động, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như quỹ bảo vệ môi trường, quỹ phát triển khoa học công nghệ..). Từ đó, động viên thêm nguồn lực tài chính nhằm thực hiện một số mục tiêu của cộng đồng hoặc ngành, lĩnh vực, thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước và cùng với Ngân sách Nhà nước giải quyết tốt hơn một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cân đối Ngân sách Nhà nước khó khăn hiện nay, nhu cầu và nhiệm vụ chi cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tăng hàng năm, tỷ lệ bội chi Ngân sách Nhà nước vẫn duy trì ở mức cao, ảnh hưởng đến các yếu tố kinh tế vĩ mô, việc mở rộng và hình thành nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước sẽ gây tác động tiêu cực đến Ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, hiện vẫn chưa có khung pháp luật quy định chế tài xử lý thống nhất đối với hoạt động của các quỹ này, chưa có văn bản pháp lý thống nhất có tính quy định chung để điều chỉnh về nguyên tắc thành lập và sử dụng quỹ, hoạt động của các quỹ.
Điều này vừa gây ra khó khăn cho hoạt động quản lý Nhà nước đối với các quỹ, làm hạn chế tính đầy đủ, chính xác của việc phân tích đánh giá chỉ tiêu công, hạn chế tính minh bạch của ngân sách.
Ông Carlos Galian, chuyên gia tư vấn quốc tế cho rằng, để tăng cường quản trị, đầu tiên cần thay đổi cơ cấu quản trị trong ban điều hành của quỹ. Các thành viên trong ban điều hành của quỹ phải là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đó. Ban điều hành phải có khuôn khổ pháp lý quản lý hoạt động và có các ủy ban chuyên môn giúp việc cho họ. Các ủy ban này sẽ tư vấn cho ban điều hành để đưa ra quyết định tối ưu nhất.
Bên cạnh đó cần phải tăng cường tính minh bạch. Hiện các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước tại Việt Nam chỉ phải báo cáo lên Quốc hội và các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, tuy nhiên, các bên tham gia và hưởng lợi của quỹ cũng cần được biết tất cả thông tin liên quan đến hoạt động của quỹ theo định kỳ trong báo cáo thường niên hoặc theo yêu cầu để đảm bảo tính minh bạch./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.