(HNM) - Phía đại diện cho người lao động đề xuất hai phương án tăng là 7,06% và 8,18%. Phía đại diện cho người sử dụng lao động tiếp tục giữ quan điểm không nên tăng lương tối thiểu vùng quá cao...
Cùng dự họp, về phía đại diện cho người lao động có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; phía đại diện cho người sử dụng lao động có Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng (VCCI).
Trao đổi bên lề phiên họp, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, ngày 21-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII (Nghị quyết 27), năm 2020, lương tối thiểu vùng phải được điều chỉnh nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình.
Căn cứ vào nội dung Nghị quyết 27 và kết quả đánh giá tác động về tình trạng việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đưa ra một số phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.
Phía đại diện cho người lao động đề xuất hai phương án tăng là 7,06% và 8,18%. Phía đại diện cho người sử dụng lao động tiếp tục giữ quan điểm không nên tăng lương tối thiểu vùng quá cao, bởi mức tăng lương cao hơn mức tăng năng suất lao động sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, cũng không có nhiều tác dụng đối với người lao động. Các phương án đề xuất đều chưa đi đến thống nhất.
Sau phiên họp này, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp các phiên tiếp theo để tìm ra phương án hợp lý cho tất cả các bên. Phương án nhận được sự đồng thuận cao sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.