(HNMO) - Chiều 14-12, phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động phong trào thi đua năm 2022, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã thông tin một số nội dung về đầu tư, nâng cấp tuyến y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Theo Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua, 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn đã được khảo sát, chấm điểm và đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trạm y tế mặc dù đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn chưa đáp ứng được công tác chuyên môn trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Điển hình là không đủ diện tích xây dựng tối thiểu; được xây dựng từ lâu, thiếu buồng, phòng để bố trí đáp ứng khám chữa bệnh ban đầu, nhiều hạng mục đã xuống cấp…
Về điều kiện trang thiết bị, thành phố đã cơ bản đầu tư đủ trang thiết bị cho các trạm y tế. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, một số trang thiết bị phục vụ y tế dự phòng, khám chữa bệnh ban đầu đã lạc hậu hoặc phải sửa chữa chưa đáp ứng được thực tế và để phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, nâng cao năng lực y tế các tuyến, đặc biệt là y tế cơ sở cần phải đầu tư hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Về nhân lực y tế, thực tế hiện nay, nhiều xã, phường thị trấn của thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa, nhiều khu chung cư, mật độ dân số cao trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ/1 trạm y tế. Đồng chí Trần Thị Nhị Hà nhận định, với số lượng cán bộ như vậy chỉ thực hiện theo dõi quản lý sức khỏe bảo đảm cho tối đa 13.000-15.000 dân. “Trên 15.000 dân sẽ quá tải, chưa kể khi xuất hiện những dịch bệnh nguy hiểm, có tính chất lây lan nhanh”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.
Về nhân lực của khối 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, hiện có 8.838 người (trong đó có 1.213 bác sĩ, chiếm 13,7%). Tổng số nhân lực còn thiếu so với chỉ tiêu được giao là 1.354 người (13,3%). Hiện nay, các Trung tâm Y tế chưa tuyển dụng đủ nhân lực theo vị trí việc làm để thực hiện nhiệm vụ do không thu hút được nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là bác sĩ. Ngoài ra, đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ nhưng thu nhập của cán bộ y tế cơ sở còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở Y tế đã đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố phê duyệt tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở là 2.447 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cơ sở vật chất cho 307/579 trạm y tế với tổng mức đầu tư khoảng 1.767 tỷ đồng; đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, sơ cấp cứu, tai mũi họng, răng hàm mặt, y học cổ truyền, sản phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình... với tổng mức đầu tư khoảng 680 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng kiến nghị, trong khi chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về định mức cán bộ y tế tại tuyến cơ sở, UBND thành phố ban hành cơ chế, chính sách cho phép Trung tâm Y tế tuyển dụng thêm lao động và được chi trả từ nguồn ngân sách thành phố. Cụ thể đối với xã, phường, thị trấn có quy mô dân số hơn 25.000 dân thì cứ thêm 2.000-3.000 dân được bổ sung 1 nhân viên y tế và cứ hơn 10 cán bộ y tế, được tuyển dụng từ 2 bác sĩ trở lên.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.