Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để vực dậy thị trường trái phiếu

Hương Thủy| 13/06/2023 07:14

(HNM) - Sau khi chính sách mới về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, thị trường có tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, áp lực về đáo hạn trái phiếu vẫn rất lớn. Để vực dậy thị trường này, nhiều giải pháp đang được triển khai.

Quang cảnh tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp” do tạp chí Nhịp sống Doanh nghiệp tổ chức.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tính đến ngày công bố thông tin 2-6, có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong tháng 5-2023 với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 34.258 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng (chiếm 84% tổng số).

Các doanh nghiệp đã mua lại 25.598 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5, trong đó, nhóm Ngân hàng chiếm đa số với 17.067 tỷ đồng, tương đương 66%. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 76.523 tỷ đồng, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, thị trường đã có dấu hiệu “ấm” lên so với giai đoạn cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, khi hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu. Hơn nữa, có 16 doanh nghiệp đàm phán thành công để giải quyết khối lượng trái phiếu gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, có một số doanh nghiệp phát hành lớn như Tập đoàn địa ốc Bulova, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land…

Nhờ có quy định mới của Chính phủ (Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ban hành ngày 5-3-2023), doanh nghiệp cùng với nhà đầu tư đã thực hiện được các phần việc như đàm phán, gia hạn, chuyển đổi thành tài sản thành công.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn vẫn là rất lớn. Cũng theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 2-6, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 là 195.090 tỷ đồng. Nhóm bất động sản dẫn đầu về giá trị đến hạn với 101.179 tỷ đồng, tiếp đến là nhóm Ngân hàng với 31.661 tỷ đồng. Có 6 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu trị giá 12.461 tỷ đồng và 4 doanh nghiệp công bố phương án tái cơ cấu trái phiếu.

Để vực dậy thị trường, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, điều quan trọng là cần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Giải pháp là cần sớm đưa vào hoạt động thị trường giao dịch thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp để tăng tính minh bạch; khuyến khích xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là doanh nghiệp độ rủi ro cao (phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm).

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn một số yếu tố nội tại, có hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn; tính phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường tín dụng, trái phiếu, bất động sản ở mức cao, dẫn đến khi một thị trường gặp khó, sẽ kéo theo các thị trường khác. Vì vậy, cần thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư tổ chức, giảm nhà đầu tư không chuyên nghiệp và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Tại tọa đàm “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ, cần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỷ giá, lạm phát. Đây chính là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu, để ứng xử một cách linh hoạt và hiệu quả. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có các chính sách ban hành và xử lý giải quyết những yêu cầu bức xúc của thị trường này. Trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ ra hai nghị định là Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và số 08/2023/ NĐ-CP.

Những quy định pháp lý mới nhất đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản bảo đảm… trên nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để vực dậy thị trường trái phiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.